Béo phì có thực sự nguy hiểm?

Bài viết được dẫn nguồn từ trang web daithaoduong.kcb.vn (nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản l‎ý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk).

Tỉ lệ thừa cân béo phì đang gia tăng trên toàn thế giới, trong đó các nước đang phát triển cũng có tốc độ gia tăng rất đáng kể. Ở Việt Nam trong những năm gần đây tỉ lệ thừa cân béo phì có khuynh hướng gia tăng nhanh, thống kê cho thấy tỉ lệ chung của thừa cân và béo phì từ 2,3% năm 1993 tăng lên tới 15% và năm 2015. Nguyên nhân chính của béo phì liên quan với tình trạng ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng như bột đường, chất béo và lối sống ít vận động.

Thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Để đánh giá thừa cân-béo phì có thể đo cân nặng, chiều cao, tính ra chỉ số khối cơ thể (BMI). Công thức tính BMI = Cân nặng (kg)/ Chiều cao (m) x Chiều cao (m). Theo tổ chức y tế thế giới, đối với người lớn có BMI từ 25 tới 30 kg/m2 gọi là thừa cân, BMI ³ 30 kg/m2 là béo phì. Với người châu Á, gọi là thừa cân khi BMI từ trên 23 kg/m2 tới 25 kg/m2 và khi BMI > 25 kg/m2 gọi là béo phì.

Tình trạng thừa cân và nhất là béo phì có ảnh hưởng lên hầu hết các chức năng của cơ thể. Béo phì làm gia tăng nguy cơ gây rối loạn về sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng chất lượng sống, tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường típ 2 và các bệnh lý không lây nhiễm khác.

Béo phì và đái tháo đường

Nguy cơ mắc rối loạn đường huyết và đái tháo đường típ 2 gia tăng ở bệnh nhân thừa cân béo phì, đặc biệt khi có béo bụng với vòng eo gia tăng. Nghiên cứu cho thấy so với người có BMI < 25 kg/m2, nếu nam giới với BMI > 30 kg/m2 có nguy cơ đái tháo đường típ 2 tăng 7 lần, nữ với BMI >30 kg/m2 có nguy cơ đái tháo đường típ 2 tăng 12 lần. Béo phì, đặc biệt béo phì bụng có tình trạng đề kháng insulin tăng cao gây rối loạn chuyển hóa đường huyết và rối loạn lipid máu. Thử nhiệm lâm sàng cho thấy giảm cân mức độ vừa cũng có thể ngăn ngừa đái tháo đường. Trong nghiên cứu Look AHEAD (Action for Health in Diabetes), giảm cân có thể giúp cải thiện kiểm soát đường huyết và giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch và giảm số lượng thuốc uống.

Béo phì và bệnh lý tim mạch xơ vữa

BMI tăng cao có liên quan với sự xuất hiện tăng huyết áp, tăng cholesterol, triglyceride, đường huyết tăng. Béo phì là yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh lý tim mạch bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tăng huyết áp, suy tim, rung nhĩ. Ở bệnh nhân béo phì có tỉ lệ mắc tăng huyết áp và đái tháo đường típ 2 nhiều hơn so với những người không béo phì. Trong nghiên cứu Framingham Heart Study ở Mỹ cho thấy béo phì có liên quan với gia tăng bệnh lý tim mạch (đau ngực, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, đột quỵ) ở nam 46% và ở nữ là 64%. Khi chỉ số BMI tăng 1 đơn vị thì tăng nguy cơ rung nhĩ 4%. So với người có cân nặng bình thường, bệnh nhân béo phì có tăng nguy cơ rung nhĩ ở nam giới là 1,52 lần và ở nữ giới là 1,46 lần.

Béo phì có rối loạn lipid đặc trưng gồm tăng VLDL-cholesterol (very low density lipoprotein cholesterol ), triglyceride, cholesterol toàn phần, giảm HDL-cholesterol (high density lipoprotein cholesterol) và tăng tiểu phân LDL (low density lipoprotein) nhỏ và đậm đặc. Thay đổi lipid máu liên hệ chặt chẽ với tình trạng đề kháng insulin. Tình trạng rối loạn lipid do béo phì có tính gây xơ vữa động mạch và đóng vai trò quan trọng gây ra các bệnh lý tim mạch xơ vữa trên bệnh nhân béo phì. Béo phì có khả năng bị hội chứng chuyển hóa bao gồm tập hợp các tình trạng: béo phì bụng, rối loạn dung nạp glucose, tăng triglyceride, HDL-cholesterol thấp và tăng huyết áp, có liên quan với tăng tử vong tim mạch.

Béo phì và ung thư

Thừa cân và béo phì có đóng góp vai trò liên quan nguyên nhân trong 20% ca ung thư mắc mới. Có bằng chứng cho thấy béo phì có liên hệ với một số loại ung thư như: ung thư thực quản, ung thư tuỵ, ung thư đại tràng – trực tràng, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư thận. So với người có BMI bình thường, trên những người có BMI ³ 40 kg/m2 số tử vong do tất cả các nguyên nhân ung thư ở nam giới có tỉ lệ 52% cao hơn và ở nữ có tỉ lệ 62% cao hơn.

Thừa cân béo phì và bệnh lý hô hấp

Thừa cân béo phì làm giảm chức năng hô hấp thông qua cơ chế cơ học và rối loạn chuyển hóa. Sự tích tụ mỡ thừa, đặc biệt mỡ bụng làm hạn chế vận động của cơ hoành, giảm sự gia tăng thể tích phổi. Quá nhiều mỡ tạng cũng làm giảm sự di động của thành ngực, sức mạnh cơ hô hấp, đường thở cũng hẹp lại. Tình trạng viêm trong các mô mỡ của bệnh nhân béo phì  tiết ra nhiều cytokin làm ảnh hưởng xấu lên chức năng phổi.

Chứng ngưng thở lúc ngủ có liên hệ chặt chẽ với béo phì. Bệnh nhân có biểu hiện như buồn ngủ ban ngày, bị tai nạn, tăng huyết áp khó kiểm soát, bệnh lý tim mạch, đột quị, tăng áp động mạch phổi và tử vong. Trong số bệnh nhân có chứng ngưng thở lúc ngủ thì tới 50% – 75% người bị béo phì. Điều trị giảm cân có thể giúp cải thiện tình trạng ngưng thở lúc ngủ. Trong nghiên cứu béo phì tại Thụy điển trên bệnh nhân có BMI > 40 kg/m2 điều trị bằng phẫu thuật giảm cân, cho thấy giảm cân dẫn tới giảm triệu chứng của chứng ngưng thở lúc ngủ như ngưng thở, ngáy, ngủ ban ngày. Người béo phì giảm được 31% cân nặng có thể giảm nguy cơ  chứng ngưng thở lúc ngủ xuất hiện mới từ 2-13 lần.

Thừa cân béo phì và tác động lên bệnh lý cơ xương khớp

Cân nặng thừa quá mức có thể gây những gánh nặng về cơ học và chuyển hóa trên xương, cơ và khớp. Béo phì có liên quan chặt chẽ với thoái hóa khớp háng và khớp gối, đau mạn tính và giảm chức năng, đây là lý do thường gặp làm cho bệnh nhân phải đi tới chỉ định thay khớp.  Trong nghiên cứu theo dõi 10 năm cho thấy khi BMI tăng 5 đơn vị nguy cơ bị thoái hóa khớp tăng 1,6 lần. Điều trị giảm cân có thể cải thiện triệu chứng cơ năng, thực thể và rối loạn chức năng do thoái hóa khớp gối ở bệnh nhân béo phì.

Béo phì và bệnh lý túi mật

Những người béo phì (BMI >30 kg/m2) có gia tăng nguy cơ bị sỏi túi mật có triệu chứng lên tới 3,4 lần. Phụ nữ có BMI càng cao thì có khả năng nhập viện vì bệnh lý sỏi túi mật và nằm viện dài ngày hơn.

Béo phì và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có mối liên hệ chặt chẽ với béo phì, rối loạn lipid máu, rối loạn đường huyết, tăng huyết áp, tình trạng đề kháng insulin. Tần suất bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có tỉ lệ tới 70% ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu tới 6,2 lần. Hậu quả của tình trạng này có thể dẫn đến viêm gan do gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Can thiệp làm giảm cân có thể giúp giảm nguy cơ gây ra gan nhiễm mỡ không do rượu.

Béo phì và sinh sản

Béo phì ảnh hưởng lên nhiều vấn đề sinh sản như hoạt động tình dục và khả năng thụ thai. Ở phụ nữ, béo phì có liên hệ với tình trạng vô sinh. Nghiên cứu Nurses’ Health Study cho thấy phụ nữ có BMI từ 20-24 có ít khả năng bị vô sinh nhất. Nguy cơ vô sinh tăng lên khi BMI thấp hoặc BMI cao hơn bình thường. Ở Mỹ, 25 % phụ nữ vô sinh có thể do béo phì. Trong thai kỳ, tình trạng béo phì làm tăng nguy cơ sảy thai, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, biến chứng lúc chuyển dạ.

Trên nam giới, béo phì có liên quan với tăng tỉ lệ bệnh nhân bị giảm số lượng tinh trùng và kém vận động của tinh trùng. Khi BMI tăng thì tỉ lệ rối loạn cương cũng gia tăng.

Thừa cân béo phì liên quan với trầm cảm và giảm chất lượng sống

Những người béo phì có khuynh hướng bị trầm cảm nhiều hơn so với người có cân nặng bình thường. Có thể béo phì và trầm cảm có mối liên hệ 2 chiều. Nghiên cứu phân tích gộp của 15 nghiên cứu dài hạn theo dõi 58.000 người trong 28 năm cho thấy rằng người bị béo phì lúc bắt đầu vào nghiên cứu có nguy cơ bị trầm cảm 55% cao hơn khi kết thúc nghiên cứu. Ngược lại, những người có trầm cảm lúc bắt đầu nghiên cứu thì về sau có nguy cơ mắc béo phì 58% cao hơn so với không bị trầm cảm. Cơ chế mối liên hệ giữa béo phì và trầm cảm chưa rõ, có thể do một số yếu tố như hoạt hóa quá trình viêm, thay đổi hoạt động của trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận, các yếu tố văn hóa và xã hội.

Đa số các nghiên cứu về tác động của béo phì lên chất lượng sống về các khía cạnh sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội cho thấy béo phì có liên hệ với giảm chất lượng sống đáng kể. Ngoài ra, người bị thừa cân, béo phì còn phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý xã hội khác như họ bị kỳ thị, không được tôn trọng. Sự phân biệt đối xử người thừa cân béo phì trong giao tiếp và trong công việc dẫn tới hậu quả có hại cho sức khỏe và gây trở ngại cho những biện pháp can thiệp giảm cân có hiệu quả.

Tóm lại

Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống còn, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính không lây như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, chức năng tình dục, làm giảm chất lượng sống và ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội. Những biện pháp ngăn ngừa, điều trị thừa cân, béo phì ở trẻ em và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe cộng đồng, giảm các bệnh lý biến chứng của béo phì, do đó tiết kiệm được chi phí chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

TS.BS. Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết,

Bệnh viện Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyen, Tuan T, Hoang, Minh V.. Non-communicable diseases, food and nutrition in Vietnam from 1975 to 2015: the burden and national response. Asia Pac J Clin Nutr. 2018;27(1):19-28..
  2. Guh DP, Zhang W, Bansback N, Amarsi Z, Birmingham CL, Anis AH. The incidence of co-morbidities related to obesity and overweight: a systematic review and meta-analysis.BMC Public Health. 2009; 9:88.
  1. Li G, Zhang P, Wang J, et al. The long-term effect of lifestyle interventions to prevent diabetes in the China Da Qing Diabetes Prevention Study: a 20-year follow-up study.Lancet. 2008; 371:17839.
  2. Bogers RP, Bemelmans WJ, Hoogenveen RT, et al. Association of overweight with increased risk of coronary heart disease partly independent of blood pressure and cholesterol levels: a meta-analysis of 21 cohort studies including more than 300,000 persons.Arch Intern Med. 2007; 167:17208.
  3. Xavier Pi-Sunyer. The Medical Risks of Obesity. Postgrad Med. 2009: 121(6): 21–33.
  4. Luppino FS, de Wit LM, Bouvy PF, et al. Overweight, obesity, and depression: a systematic review and meta-analysis of longitudinal studies.Arch Gen Psychiatry. 2010; 67:2209.

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
127
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2721
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1390
DỊCH TỄ HỌC VÀ GÁNH NẶNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...

Xem thêm
376