CHẨN ĐOÁN SUY GIÁP

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Suy giáp là hội chứng lâm sàng có thể được phát hiện và chẩn đoán bởi bác sĩ gia đình. Đôi khi, bệnh nhân vô tình được phát hiện khi khám tại một chuyên khoa khác. Những trường hợp khó đòi hỏi tìm nguyên nhân sâu thường được chuyển đến bác sĩ nội tiết. Để chẩn đoán suy giáp, bác sĩ cần đánh giá nhiều khía cạnh theo quy trình sau đây (Hình 1) [1].

Diagnosis of Hypothyroidism
Hình 1: Các phương tiện chẩn đoán suy giáp [1]

1. Triệu chứng lâm sàng của suy giáp

Triệu chứng cơ năng của suy giáp

Hỏi bệnh là điều đầu tiên cần làm. Thông qua bệnh sử, bác sĩ có thể nhận diện triệu chứng, thời điểm xuất hiện và độ nặng. Mức độ biểu hiện triệu chứng thường tương ứng với độ nặng bệnh và thời gian mắc bệnh. Tuy nhiên, triệu chứng suy giáp thường không đặc hiệu. Nói cách khác, các triệu chứng này có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhau. Những triệu chứng mà bệnh nhân tự nhận biết được (triệu chứng cơ năng) là tăng cân, mệt mỏi, kém tập trung, trầm cảm, rối loạn kinh nguyệt, táo bón, sợ lạnh, da khô, rụng tóc, đau, yếu cơ [2].

Triệu chứng suy giáp có thể khác biệt tùy theo tuổi và giới tính. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường biểu hiện ngủ gà, chậm lớn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể đến khám với lý do rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, hiếm muộn. Người lớn tuổi đôi khi chỉ thấy suy giảm trí nhớ và chức năng thần kinh nhanh hơn bình thường. 

Triệu chứng thực thể của suy giáp

Triệu chứng thực thể là những biểu hiện mà bác sĩ khám và phát hiện thấy ở bệnh nhân. Chúng bao gồm giảm phản xạ gân xương, da lạnh, khô, thô nhám, lưỡi to, phù mặt hoặc chân. Hôn mê do suy giáp ngày nay gần như hiếm gặp. Tùy thuộc nguyên nhân suy giáp mà bướu giáp có thể to hoặc không. Điện tâm đồ thường cho thấy nhịp tim chậm. Một số xét nghiệm máu ở người suy giáp ghi nhận rối loạn lipid máu hoặc hạ natri máu [3].

Các câu hỏi thường được bác sĩ đặt ra

Những câu hỏi sau đây giúp xác định tiền sử hoặc yếu tố nguy cơ liên quan suy giáp:

- Bạn có mắc bệnh tự miễn nào khác, ví dụ đái tháo đường típ 1, viêm khớp dạng thấp không?
- Có ai trong gia đình bị suy giáp không?
- Bạn đã từng phẫu thuật tuyến giáp, uống iod phóng xạ hay xạ trị vùng đầu cổ chưa?
- Bạn đang dùng những thuốc gì?

2. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp 

Ở bệnh nhân có triệu chứng gợi ý suy giáp, cần chỉ định xét nghiệm chức năng tuyến giáp. TSH là xét nghiệm đầu tiên vì nhạy trong phát hiện rối loạn chức năng tuyến giáp. Nếu TSH bình thường, bác sĩ sẽ cân nhắc đánh giá các nguyên nhân khác gây nên triệu chứng. Nếu TSH giảm, bạn sẽ được khảo sát theo hướng cường giáp. Nếu TSH tăng, bạn sẽ được khảo sát theo hướng suy giáp.
Xét nghiệm hormone giáp tự do (FT4) tiếp theo sẽ giúp phân loại suy giáp rõ (FT4 giảm) hay suy giáp dưới lâm sàng (FT4 bình thường). Cần chú ý rằng, xét nghiệm chức năng tuyến giáp dễ bị nhiễu và ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Chúng bao gồm thức ăn, thuốc, tình trạng mang thai và bệnh lý khác (Hình 2) [4]. Do vậy, bác sĩ có thể yêu cầu bạn xét nghiệm nhiều hơn một lần để khẳng định chẩn đoán.
Hình 2: Các yếu tố ảnh hưởng xét nghiệm chức năng tuyến giáp [4]

Với trẻ sơ sinh, hiện nay nhiều bệnh viện sản khoa lớn tại Việt Nam đã áp dụng chương trình tầm soát sớm suy giáp sơ sinh. Việc này được tiến hành bằng cách lấy máu ở gót chân hoặc tĩnh mạch mu tay của bé sau sinh 48 giờ. Mẫu máu sau đó được xét nghiệm TSH và FT4 tương tự như trên.

3. Xét nghiệm khác

Đo nồng độ kháng thể tuyến giáp, siêu âm hay xạ hình tuyến giáp là những xét nghiệm chuyên sâu khác giúp chẩn đoán nguyên nhân của suy giáp. MRI não có thể được chỉ định trong tình huống hiếm gặp là suy giáp trung ương. Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đánh giá và cho chỉ định phù hợp.

Suy giáp dưới lâm sàng là gì?

Bạn được chẩn đoán suy giáp dưới lâm sàng nếu xét nghiệm TSH tăng nhưng FT4 vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Bạn có thể có hoặc không có các triệu chứng suy giáp kể trên. Đây là giai đoạn nhẹ, khởi đầu của suy giáp. Mặc dù tình huống này đôi khi không cần điều trị, bạn vẫn cần theo dõi chức năng tuyến giáp định kỳ. Những người suy giáp dưới lâm sàng nhưng TSH quá cao hoặc nồng độ kháng thể tuyến giáp cao có nguy cơ tiến triển thành suy giáp thực sự [5].

Chẩn đoán phân biệt với suy giáp gồm những gì?

Các triệu chứng của suy giáp không đặc hiệu. Do đó, nếu bạn có những biểu hiện này nhưng xét nghiệm TSH bình thường, bác sĩ có thể rà tìm các nguyên nhân khả dĩ khác. Chúng bao gồm: thiếu máu, nhiễm siêu vi, thiếu vitamin D, rối loạn giấc ngủ, rối loạn kinh nguyệt do nguyên nhân phụ khoa, lo âu, trầm cảm, bệnh lý gan thận hoặc bệnh tự miễn khác.

Điều trị suy giáp như thế nào?

Hầu hết bệnh nhân suy giáp cần điều trị thay thế bằng hormone giáp suốt đời. Hiện tại có nhiều chế phẩm hormone giáp. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo rằng chỉ nên duy trì dùng một loại nhất định. Hạn chế việc thay đổi tên thương mại vì khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Tùy vào mức độ suy giáp và các yếu tố khác, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp. Hormone giáp dễ tương tác với thức ăn và thuốc khác. Do vậy nên dùng hormone giáp vào buổi sáng lúc đói hoặc trước khi đi ngủ, cách xa các bữa ăn. TSH là xét nghiệm dùng để theo dõi điều trị.

Tóm lại, suy giáp được chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng, thăm khám và xét nghiệm. TSH và FT4 là xét nghiệm chức năng tuyến giáp giúp chẩn đoán xác định bệnh.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.verywellhealth.com/hypothyroidism-diagnosis-3233191
  2. Wiersinga WM. Thyroid disease manager. Adult hypothyroidism. http://www.thyroidmanager.org/chapter/adult-hypothyroidism. Accessed May 30, 2021.
  3. Ladenson PW, Singer PA, Ain KB, et al.; American Thyroid Association guidelines for detection of thyroid dysfunction [published correction appears in Arch Intern Med. 2001;161(2):284]. Arch Intern Med. 2000;160(11):1573-1575
  4. https://www.verywellhealth.com/optimum-time-and-conditions-for-thyroid-blood-tests-3232911
  5. Díez JJ, Iglesias P. Spontaneous subclinical hypothyroidism in patients older than 55 years: an analysis of natural course and risk factors for the development of overt thyroid failure. J Clin Endocrinol Metab. 2004;89(10):4890-4897.

VN_GM_THY_157; EXP: 30/6/2024

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
127
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2721
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1390
DỊCH TỄ HỌC VÀ GÁNH NẶNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...

Xem thêm
376