CHẾ ĐỘ ĂN BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG MÀ CÁC BẠN CẦN BIẾT

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

 Chế độ ăn bệnh đái tháo đường, nói một cách đơn giản, là kế hoạch ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát đường huyết. Việc thiết kế như vậy bắt đầu từ lên kế hoạch bữa ăn cho đến đếm lượng tinh bột (carbohydrate counting). Điểm đặc biệt trong chế độ ăn cho bệnh đái tháo đường so với các bệnh lý khác là thời điểm ăn. Nói cách khác, không chỉ chất lượng thực phẩm mà số bữa và thời điểm ăn cũng quan trọng. Nhìn chung, chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường giàu dinh dưỡng trong khi đó hạn chế năng lượng hoặc chất béo. Các thành tố chính yếu bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Trong thực tế, chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường còn mang lại lợi ích cho cả người khỏe mạnh.

Tại sao cần xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường

Nếu bạn bị rối loạn đường huyết, bác sĩ điều trị có thể trực tiếp đưa ra lời khuyên hoặc giới thiệu bạn đến một chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường. Họ có thể giúp bạn trong việc thiết kế bữa ăn phù hợp. Nhờ vậy, bạn có khả năng kiểm soát đường huyết, cân nặng, huyết áp và mỡ máu tốt hơn.

Khi bạn ăn uống nhiều năng lượng và chất béo, đường trong máu tăng cao. Người khỏe mạnh có khả năng dung nạp được sự tăng này nên đường huyết về bình thường nhanh chóng sau đó. Tuy nhiên, khi bạn bị đái tháo đường, cơ thể gặp rối loạn trong việc chuyển hóa đường. Vì thế, đường trong máu cao, lâu ngày gây biến chứng mạn tính. Do đó, kiểm soát đường huyết thông qua chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường là điều tối quan trọng. Với hầu hết bệnh nhân, giảm cân thường giúp kiểm soát đường huyết dễ hơn. Nói cách khác, một chế độ ăn lành mạnh không chỉ trực tiếp hạn chế tăng đường huyết mà còn giúp dễ đạt kiểm soát đường huyết hơn thông qua giảm cân.

Chế độ ăn cho bệnh đái tháo đường bao gồm những gì?

Một chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường dựa trên nguyên tắc cơ bản là ba bữa chính vào thời điểm cố định. Điều này giúp cơ thể sử dụng tối ưu lượng insulin tiết ra. Bên cạnh đó, ăn ba bữa còn phù hợp với cữ thuốc trong ngày. Chỉ một số ít trường hợp khó kiểm soát đường huyết được bác sĩ khuyến cáo chia nhỏ bữa ăn. Việc xây dựng khẩu phần ăn tùy thuộc mục tiêu, khẩu vị và lối sống hiện tại của bạn. Ngoài thay đổi thói quen ăn uống, bác sĩ có thể đưa ra cả lời khuyên về hoạt động thể lực.

Các thực phẩm nên dùng trong chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường [2]

Carbohydrate lành mạnh

Carbohydrate lành mạnh là những thực phẩm ít hoặc chậm làm tăng đường huyết sau ăn. Chúng bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, sản phẩm từ sữa ít béo như sữa tươi và phô mai.

Thực phẩm giàu chất xơ

Chất xơ là những phần của thực vật mà cơ thể không thể tiêu hóa hay hấp thu. Ở bệnh nhân đái tháo đường, chất xơ giúp làm chậm hấp thu đường, hạn chế tăng đường sau ăn. Vì vậy, chất xơ là thành tố quan trọng để kiểm soát đường huyết. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm rau, trái cây, các loại hạt, quả khô, cây họ đậu và ngũ cốc nguyên hạt.

Cá nhìn chung là thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn so với thịt đỏ (bò, heo). Đặc biệt, một số loại cá giàu acid béo omega-3 được xem là tốt cho hệ tim mạch. Chúng bao gồm cá hồi, cá thu, cá ngừ và cá trích. Tuy nhiên, cần hạn chế một số loại cá vốn bản chất có hàm lượng thủy ngân tích tụ cao, ví dụ cá thu vua (king mackerel), cá ngừ mắt to (bigeye tuna) [3].

Chất béo có lợi

Mặc dù cần hạn chế chất béo trong chế độ ăn cho bệnh đái tháo đường nhưng bạn vẫn có thể dùng một lượng nhất định mỗi ngày. Nên ưu tiên sử dụng chất béo có lợi, cụ thể là chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Chúng thường có trong quả bơ, các loại hạt, dầu olive và dầu hạt cải. Tuy nhiên, chất béo dạng nào cũng đều sinh nhiều năng lượng, dễ gây tăng cân. Do vậy, chỉ nên dùng với lượng hạn chế.

Các thực phẩm cần tránh trong chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường [2]

Carbohydrate kém lành mạnh

Nước ngọt và thực phẩm ướp đường là các nguyên nhân làm tăng đường huyết trực tiếp và do đó nên hạn chế.

Chất béo có hại

Chất béo có hại bao gồm chất béo bão hòa và dạng trans. Chúng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bạn. Những thực phẩm chứa nhiều chất béo không lành mạnh là thịt đã qua chế biến như hot dog, xúc xích, thịt xông khói, snack, dầu dừa, dầu cọ, bơ động vật (butter) lẫn bơ động vật (margarine). Ngoài ra, thực phẩm chứa nhiều cholesterol chung là lòng đỏ trứng, nội tạng động vật (gan, lòng) cũng nên được dùng một cách hạn chế. Lượng cholesterol tiêu thụ mỗi ngày không nên quá 200 mg.

Muối

Tăng huyết áp là bệnh đồng mắc rất thường gặp ở người bệnh đái tháo đường. Do đó, đây là mục tiêu quan tâm khi tư vấn chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường. Ngay cả khi không mắc tăng huyết áp, lượng muối mỗi ngày vẫn nên <2300 mg. Nếu bị tăng huyết áp, bạn có thể được bác sĩ khuyến cáo cắt giảm thêm nữa.

Sắp xếp thực phẩm lại với nhau để tạo thành chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường

Có nhiều phương pháp để xây dựng khẩu phần ăn hợp lý. Mỗi người có thể phù hợp với một hoặc nhiều phương pháp khác nhau. Dưới sự giúp đỡ của chuyên gia dinh dưỡng, bạn có thể thử các cách sau:

Đếm lượng carbohydrate

Như đã nói, tinh bột được cắt nhỏ chuyển thành glucose nên ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết. Để kiểm soát đường huyết, bạn có thể cần biết cách tính lượng tinh bột trong thực phẩm. Nhờ vậy, bạn có thể điều chỉnh khẩu phần ăn và liều insulin (nếu đang dùng) một cách phù hợp. Nên tham khảo nguồn thông tin tin cậy từ sách hoặc tờ bướm do chuyên gia dinh dưỡng giới thiệu. Bên cạnh đó, bảng quy đổi tinh bột trực tuyến của CDC Hoa Kỳ cũng là công cụ hữu ích [4]. Với đồ ăn chế biến sẵn, nhãn thực phẩm thường ghi chi tiết hàm lượng carbohydrate bên trong. Đừng quên tính cả các bữa ăn phụ hay snack. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ hướng dẫn bạn cách ước lượng kích cỡ khẩu phần và đọc nhãn thực phẩm. Bác sĩ điều trị cũng có thể chỉnh liều thuốc tốt hơn dựa vào so sánh kết quả đường huyết với ghi chú của bạn về lượng carbohydrate tiêu thụ.

Chỉ số đường huyết

Một số bệnh nhân và bác sĩ sử dụng chỉ số đường huyết để lựa chọn thực phẩm. Phương pháp này xếp hạng thực phẩm dựa trên khả năng tác động đến đường huyết ít hay nhiều. Nó tương đối có ích trong các tình huống đường huyết của bạn khó kiểm soát. Bảng Chỉ số đường huyết Quốc tế mới nhất vừa được Hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ ban hành năm 2021 [5].

Phương pháp cái đĩa

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ hướng dẫn cách đơn giản để bạn thiết kế bữa ăn cho mình (Hình 2) [6]. Phương pháp này nhấn mạnh tầm quan trọng của rau trong bữa ăn. Mỗi bữa, bạn có thể ăn lượng thực phẩm chứa trong một cái đĩa đường kính khoảng 20 cm. Hình sau đây mô tả các bước tiếp hành phương pháp cái đĩa:

(1) Chất một phần hai đĩa với rau củ không tinh bột. Ví dụ: các loại rau xanh hoặc củ, quả ít tinh bột (cà rốt, cà chua)

(2)  Chất một phần tư đĩa với chất đạm. Ví dụ: cá, gà, heo, bò. Chú ý thịt trắng (gà, vịt) tốt hơn thịt đỏ (heo, bò). Nếu ăn thịt đỏ, nên chọn phần nạn.

(3) Chất một phần tư đĩa với tinh bột. Ví dụ: gạo, bánh mì, nui, cái loại rau củ chứa tinh bột như khoai tây, khoai lang. Gạo lứt có thể ít làm tăng đường huyết hơn gạo trắng đã qua xay sát.

(4) Nấu nướng bằng một lượng nhỏ chất béo “tốt” trong giới hạn cho phép.

(5) Thêm một khẩu phần trái cây, sữa mỗi ngày và uống đủ nước. Có thể uống trà, cà phê không đường. Hạn chế những loại trái cây có chỉ số đường huyết cao [5].

What is the plate method?. The plate method is a simple way to… | by Elisa  Swan | Medium

Hình 2: Phương pháp cái đĩa theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ [6] 

Tóm lại, áp dụng chế độ ăn cho bệnh đái tháo đường một cách khoa học là điều quan trọng để bệnh nhân có thể kiểm soát đường huyết và hạn chế biến chứng. Chế độ ăn lành mạnh tập trung vào rau củ, chất béo tốt và chất đạm, trong khi hạn chế carbohydrate hấp thu nhanh, chất béo có hại và muối.

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.eatthis.com/news-test-type-2-diabetes-risk/
  2.  https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-diet/art-20044295
  3.  https://www.webmd.com/diet/foods-high-in-mercury
  4.  https://www.cdc.gov/diabetes/managing/eat-well/diabetes-and-carbs/carbohydrate-choice-lists.html
  5.  Atkinson FS, Brand-Miller JC, Foster-Powell K, Buyken AE, Goletzke J. International tables of glycemic index and glycemic load values 2021: a systematic review. Am J Clin Nutr. 2021;114(5):1625-1632
  6.  https://www.diabetes.org/healthy-living/recipes-nutrition/eating-well

VN_GM_DIA_267

EXP: 11/5/2024 

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
127
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2721
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1390
DỊCH TỄ HỌC VÀ GÁNH NẶNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...

Xem thêm
376