Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kém tuân thủ điều trị đái tháo đường típ 2 (ĐTĐ2), trong đó một số yếu tố chủ quan có thể được khắc phục nhằm cải thiện tình hình tuân trị, từ đó nâng cao chất lượng điều trị. Vậy đâu là giải pháp tuân thủ trong điều trị đái tháo đường ?
Với nhóm nguyên nhân thứ nhất là cảm nhận chưa đúng về tiến trình điều trị, nhân viên y tế có thể định hướng lại, chỉ rõ cho bạn lợi ích của việc duy trì điều trị, hậu quả nếu không kiểm soát đường huyết từ sớm, củng cố niềm tin vào hiệu quả của thuốc và các biện pháp thay đổi lối sống như chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực, từ đó giúp bạn tạo được động cơ, động lực điều trị.
Phương pháp này có thể được tiến hành ở mỗi lần tái khám bác sĩ hay thông qua các hoạt động câu lạc bộ hỗ trợ, giáo dục bệnh nhân diễn ra hàng tháng, hàng quý. Bạn được khuyến khích tham gia những chương trình này vì chúng rất có ích ở khía cạnh cung cấp thông tin khoa học chính xác, dễ hiểu cho bệnh nhân và cũng là cơ hội để bạn được giải đáp những thắc mắc phát sinh trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, một số hoạt động nhất định tại các bệnh viện còn tổ chức khám tầm soát biến chứng ĐTĐ2 hay tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân mà bạn không cần mất thêm chi phí tham gia.
Ngoài ra, bạn có thể nhận được sự hỗ trợ tâm lý để vượt qua rào cản về nỗi sợ tác dụng phụ của thuốc bởi các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm hay thậm chí là những người bạn cùng mắc ĐTĐ2 trong câu lạc bộ. Tham khảo ý kiến của người xung quanh là tốt, nhưng cần cẩn trọng chắt lọc thông tin vì không phải mọi nguồn tin đều chuẩn xác. Nhân viên y tế mới là những người duy nhất cung cấp thông tin và giải đáp các thắc mắc của bạn một cách khoa học, đáng tin cậy nhất. Nhìn chung, hoạt động giáo dục bệnh nhân thường được tiến hành định kỳ, lặp đi lặp lại để củng cố niềm tin và tạo động lực, sự lạc quan cho người bệnh.
Bạn có thể được bác sĩ nhắc lại cùng một số thông tin tương tự ở mỗi lần tái khám hay mỗi lần tham gia sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân nhưng điều đó là cần thiết để duy trì tuân thủ điều trị.
Hình 1: Sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân ĐTĐ tại một bệnh viện [1]
Nếu bạn cảm thấy phác đồ điều trị hiện tại đang quá phức tạp, có nhiều tác dụng phụ, tốn kém mà mình khó áp dụng được trong thời gian dài, đừng ngần ngại trao đổi, thảo luận với bác sĩ để tìm phương án giải quyết tốt hơn. Với sự sẵn có của rất nhiều loại dược phẩm điều trị ĐTĐ2 hiện nay, bác sĩ có thể chọn cho bạn những thuốc tác dụng kéo dài chỉ cần dùng một lần/ngày hay các viên phối hợp nhiều hoạt chất trong cùng một viên, giúp giảm số lần và số viên thuốc phải uống.
Một số trường hợp có kết quả đường huyết ổn định kéo dài thậm chí có thể ngưng thuốc tiêm insulin và chuyển sang thuốc uống để tạo thuận lợi cho người bệnh. Nếu bạn gặp tác dụng phụ nặng với một loại thuốc bất kỳ, bác sĩ sẽ cân nhắc đổi sang nhóm thuốc khác với hiệu quả tương đương để tránh gây khó chịu.
Riêng việc sử dụng thuốc tiêm insulin hiện nay cũng đã được cải tiến khá nhiều, các bút tiêm dễ chỉnh liều, dễ mang theo bên người, kim tiêm siêu nhỏ, ít đau là những lợi điểm của insulin hiện nay so với trước đây nhiều năm. Ngay cả máy thử đường huyết ngày nay cũng đã rất thuận tiện trong việc sử dụng, ví dụ như thiết bị nhỏ gọn hay một số máy gắn cố định trên người, không cần lấy máu đầu ngón tay mỗi ngày. Với điện thoại thông minh, bạn có thể ghi nhận dữ liệu đường huyết của mình một cách thuận tiện thay vì ghi chép vào sổ tay truyền thống. Các ứng dụng của công nghệ ngày nay được xem là một mũi nhọn trong quản lý bệnh nhân đái tháo đường type 2 nói riêng và các bệnh mạn tính khác nói chung [2].
Hình 2: Các công nghệ mới là phương tiện giúp cải thiện tuân thủ điều trị [3]
Để hạn chế khả năng quên uống thuốc không chủ ý, nhiều biện pháp hiệu quả đã được áp dụng thành công cho người mắc bệnh mạn tính. Đơn giản nhất, bạn có thể sử dụng các hộp chia thuốc, để sẵn từng loại thuốc với số viên đúng theo toa hướng dẫn vào từng ô cho mỗi buổi sử dụng và để hộp ở nơi dễ nhận thấy. Tân tiến hơn, bạn có thể thiết đặt lịch trình nhắc uống thuốc trên điện thoại. Ngoài ra, sự hỗ trợ, nhắc nhở của gia đình, bạn bè sống chung nhà cũng là phương pháp tốt để củng cố việc dùng thuốc đúng hướng dẫn, đặc biệt khi bạn lớn tuổi, dễ quên.
Nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 hiện nay, trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách xã hội, một số bệnh viện đã áp dụng chiến lược tư vấn cho người bệnh trực tuyến nhằm đánh giá tình trạng bệnh ở một mức độ nhất định mà không phải mất thời gian di chuyển, chờ khám và tiếp xúc nhiều người. Chỉ một số tình huống mà bạn cần phải quay trở lại phòng khám hay bệnh viện khi được bác sĩ đánh giá là cần thiết.
Ngoài ra, bác sĩ còn có thể cân nhắc kê toa kéo dài hơn thông thường để bạn có thể tiếp tục dùng thuốc và giảm số lần tái khám trong mùa dịch. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng được cho bệnh nhân đã quản lý ĐTĐ2 ổn định trước đó, biết tuân thủ điều trị tốt và hiện không đang mắc các bệnh nặng khác. Bác sĩ là người duy nhất nhận định được ai có thể tiếp tục uống thuốc theo toa cũ và ai thì không. Do đó, bạn không nên tự ý mua thuốc uống kéo dài nếu không được sự tham vấn và cho phép từ bác sĩ.
Tóm lại, ngoại trừ một số lý do khách quan bất khả kháng, nhiều nguyên nhân kém tuân thủ điều trị đái tháo đường có thể được nhận diện và chủ động xử trí từ phía bản thân bệnh nhân lẫn phía nhân viên y tế. Đây là điều cốt lõi để nâng cao hiệu quả điều trị lâu dài cho bệnh nhân.
VN_GM_DIA_145
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.
Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...