HẠ ĐƯỜNG HUYẾT BAN ĐÊM Ở NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG – CƠN ÁC MỘNG TRONG ĐỜI THỰC

Bài viết được dẫn nguồn từ trang web daithaoduong.kcb.vn (nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản l‎ý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk).
   BS CKII. Vũ Thùy Thanh 
Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai
1. Hạ đường huyết ban đêm là gì?
Hạ đường huyết ban đêm là tình trạng đường trong máu hạ thấp < 3,9 mmol/l vào ban đêm hoặc trong khi ngủ.
Ở người đái tháo đường, hạ đường huyết ban đêm khá thường gặp, ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống và thậm chí có thể gây tử vong. Khảo sát của M. Brod trên 20212 người đái tháo đường tại 9 quốc gia cho thấy 10,43% bị hạ đường huyết trong đó hơn 50% xuất hiện ít nhất vài lần trong tháng và một nửa các cơn hạ đường huyết nặng xảy ra vào ban đêm. 
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây hạ đường huyết ban đêm
Các nguyên nhân gây hạ đường huyết ban đêm có thể chia thành hai nhóm liên quan đến insulin hoặc không như sau:
   + Sử dụng insulin:
      - Tiêm quá liều insulin.
      - Sử dụng các insulin người có nguy cơ hạ đường huyết cao như insulin NPH ban đêm, insulin trộn hoặc insulin thường trước bữa tối (do thuốc có đỉnh tác dụng về đêm).
   + Các nguyên nhân khác không do insulin:
      - Dùng quá liều thuốc uống, đặc biệt là các thuốc kích thích tiết insulin tác dụng kéo dài (sulfonylurea,…)
      - Người bệnh quên không ăn, bỏ bữa hoặc ăn ít hơn thường lệ.
      - Hoạt động thể lực nhiều trong ngày, đặc biệt trước khi đi ngủ.
      - Uống rượu
      - Quên ăn thêm bữa phụ
      - Người bệnh bị nôn, tiêu chảy,…
3. Các dấu hiệu hạ đường huyết ban đêm
Hạ đường huyết về đêm xảy ra phổ biến nhất vào sáng sớm từ 1 đến 4 giờ sáng với các biểu hiện rất kín đáo, khó nhận biết, không rõ ràng như ở ban ngày. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng sau:
      - Trằn trọc, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, bồn chồn, lo lắng.
      - Da nóng, ẩm ướt hoặc toát mồ hôi.
      - Run chân tay.
      - Thay đổi nhịp thở (đột ngột thở nhanh hoặc chậm).
      - Ngủ mơ, gặp ác mộng, đôi khi làm người bệnh tỉnh giấc.
      - Ngủ mê mệt, người bệnh muốn dậy nhưng không thể dậy được (cảm giác bóng đè)
      - Tim đập nhanh, đánh trống ngực
      - Thức dậy thấy quần áo và ga trải giường ướt đẫm mồ hôi.
      - Hoặc có thể biểu hiện thức dậy với cảm giác rất mệt mỏi, đau đầu, mất tập trung, ngủ gật vào ngày hôm sau.
      - Đột tử.
4. Hậu quả hạ đường huyết ban đêm
Hạ đường huyết ban đêm thường nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động của người bệnh nhiều hơn ban ngày.
Hạ đường huyết về đêm làm giảm chất lượng công việc cũng như chất lượng và số lượng giấc ngủ từ đó gia tăng nguy cơ béo phì, khó kiểm soát đường huyết và huyết áp. Hơn nữa hạ đường huyết tái diễn nhiều lần còn gây suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung của người bệnh. Mặt khác hạ đường huyết ban đêm gây gián đoạn, không tuân thủ điều trị dẫn đến các biến chứng đái tháo đường sau này. 
Hậu quả nặng nề nhất phải kể đến là “Hội chứng chết trên giường”. Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ những cái chết đột ngột xảy ra trong lúc ngủ không rõ nguyên nhân của người trẻ tuổi mắc đái tháo đường typ1 chưa có các biến chứng mạn tính. Tần suất khoảng 2-6/10.000 bệnh nhân/năm, chiếm 6% số ca tử vong ở người đái tháo đường dưới 40 tuổi. Gần đây người ta thấy hay xảy ra ở những bệnh nhân đã có biến chứng thần kinh tự động. Bình thường khi hạ đường huyết cơ thể sẽ nhận biết và tiết ra các hormon làm tăng đường huyết để bảo vệ. Tuy nhiên ở người đái tháo đường typ 1 phản ứng này bị suy giảm, sự nhận biết và bài tiết hormon xảy ra chậm hơn và không tương xứng với mức độ hạ đường huyết do đó hạ đường huyết thường nặng và kéo dài. Tình trạng này dẫn tới rối loạn thần kinh tự chủ tim, rối loạn nhịp tim mà cụ thể là kéo dài khoảng QT gây rối loạn nhịp thất, ngừng tim và tử vong.

5. Cách phòng ngừa hạ đường huyết ban đêm
Chính vì những hậu quả nghiêm trọng trên nên chúng ta cần chủ động phòng tránh tình trạng hạ đường huyết ban đêm bằng các cách sau đây:
5.1. Phòng ngừa tiên phát:
      - Kiểm tra đường máu trước khi ngủ và điều chỉnh nếu có bất thường: người bệnh tiêm insulin nên giữ đường huyết trước khi đi ngủ từ 7,5 đến 8,5 mmol/l và khi thức dậy từ 5,5 đến 7,5 mmol/l. Nếu đường huyết thấp bạn nên ăn thêm bữa phụ.
       - Điều chỉnh, giảm liều insulin hoặc thay thế insulin thường (insulin NPH) bằng các loại insulin nền analogue thế hệ 2 (như insulin degludec) an toàn, ít nguy cơ hạ đường huyết hơn do tác dụng bằng phẳng và ổn định, không có đỉnh tác dụng. 
       - Sử dụng các thuốc đái tháo đường có nguy cơ hạ đường huyết thấp như metformin, nhóm DPP – 4i, SGLT-2i, GLP-1RA,…
       - Tuyệt đối không bỏ bữa tối.
       - Không nên tập luyện, hoạt động thể lực mạnh trước khi ngủ.
       - Không nên uống rượu vào buổi tối vì rượu có thể gây hạ đường huyết.
5.2. Phòng ngừa thứ phát: với những người nghi ngờ hoặc đã hạ đường huyết về đêm nhiều lần thì ngoài các biện pháp trên cần tuân theo các hướng dẫn sau:
       - Nên đặt mục tiêu đường huyết cao hơn thông thường để an toàn hơn.
       - Đặt chuông thử đường huyết lúc 3h sáng.
       - Sử dụng các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM) có chức năng báo động khi đường huyết xuống thấp.
       - Chuẩn bị sẵn kẹo, bánh, nước ngọt,… ở đầu giường để sử dụng ngay khi có các dấu hiệu hạ đường huyết.
Như vậy hạ đường huyết ban đêm khá phổ biến và nguy hiểm nên mỗi người bệnh cần tự theo dõi nhằm phát hiện sớm tình trạng này và trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh phương pháp điều trị thích hợp nhằm kiểm soát đường huyết tốt nhất mà không xảy ra các biến cố đáng tiếc. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. A nine country study of the burden of non-severe nocturnal hypoglycaemic events on diabetes management and daily function, M.Brod et al, Diabetes, Obesity and Metabolism 15: 546–557, 2013.
2. Sudden death in type 1 diabetes: The mystery of the ‘dead in bed’ syndrome, Tu E, Twigg SM, Semsarian C, Int J Cardiol. 2010 Jan 7;138(1):91-3.
3. Nocturnal hypoglycemia: clinical manifestitation and therapeutic strategies toward prevention, Kate V. Allen, MRCP(UK), and Brian M. Frier, MD, Endocr Pract. 2003;9(No. 6) 543
4. Nocturnal hypoglycemia in patients with insulin-treated diabetes, Jean-Franc¸ois Yale, Diabetes Research and Clinical Practice 65S (2004) S41–S46.
VN22CD00004 

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
127
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2721
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1390
DỊCH TỄ HỌC VÀ GÁNH NẶNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...

Xem thêm
376