Bài viết được dẫn nguồn từ trang web daithaoduong.kcb.vn (nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk).
Ngày nay, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường, có thể chiếm 52 – 80% ở người đái tháo đường típ 2. Các nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình giảm đi 12 năm ở những bệnh nhân đái tháo đường kèm bệnh tim mạch. Khoảng 85% bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ tim mạch cao và rất cao hoặc đã từng có biến cố bệnh tim mạch do xơ vữa.
Bệnh tim mạch do xơ vữa là gì?
Xơ vữa động mạch là tình trạng hẹp lòng các động mạch trong cơ thể do quá trình lắng đọng các chất béo, chất thải của tế bào và canxi ở trong thành động mạch như động mạch vành, động mạch não và các động mạch ngoại biên. Ở bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim mạch xảy ra có thể do xơ vữa động mạch hoặc do các nguyên nhân khác. Bệnh tim mạch do xơ vữa ở người đái tháo đường gồm có bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não và bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh mạch vành gồm có nhiều bệnh cảnh như thiếu máu cục bộ cơ tim thầm lặng, đau thắt ngực ổn định, nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực không ổn định. Bệnh mạch máu não gồm có đột quỵ nhồi máu não, xuất huyết não và cơn thoáng thiếu máu não. Bệnh động mạch ngoại biên là tình trạng xơ vữa động mạch ở chi dưới, chi trên, động mạch cảnh, động mạch mạc treo, động mạch thận … gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ.
Tại sao bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa?
Bệnh nhân đái tháo đường típ 2 tăng hai đến bốn lần nguy cơ bệnh tim mạch so với người không đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường có tình trạng tăng đường huyết mạn tính, đề kháng insulin, tạo ra nhiều chất trung gian hóa học làm tổn thương và rối loạn chức năng của các tế bào ở lớp áo trong của động mạch, hình thành các vệt mỡ, tiến triển đến mảng xơ vữa gây hẹp, sau đó có thể nứt vỡ mảng xơ vữa và hình thành cục máu đông làm tắc các động mạch.
Ngoài ra, người đái tháo đường còn có nhiều yếu tố nguy cơ khác đi kèm góp phần thúc đẩy diễn tiến của xơ vữa động mạch, dẫn đến các biến cố tim mạch. Các yếu tố nguy cơ này có thể không thay đổi được như lớn tuổi, giới tính nam hay nữ mãn kinh, chủng tộc, tiền sử gia đình bệnh tim mạch sớm. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được gồm các yếu tố nguy cơ chuyển hóa như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì, bệnh thận mạn; các yếu tố nguy cơ hành vi như hút thuốc lá, ít vận động thể lực, ăn uống không lành mạnh, sử dụng thức uống có cồn quá mức và các yếu tố môi trường xã hội như tiếp xúc với ô nhiễm không khí hoặc chất độc hại, tình trạng kinh tế xã hội thấp, stress, lo âu và trầm cảm.
Bệnh tim mạch do xơ vữa ở người đái tháo đường nguy hiểm như thế nào?
Bệnh tim mạch do xơ vữa nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Nhồi máu cơ tim cấp có thể gây ra cơn đau thắt ngực đột ngột, dữ đội, sau xương ức, lan lên vai, hàm dưới, mặt trong cánh tay và cẳng tay trái, kéo dài hơn 20 phút kèm khó thở, vã mồ hôi. Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân nhồi máu cơ tim có thể tử vong do suy tim cấp, rối loạn nhịp tim ác tính, vỡ tim … hoặc diễn tiến thành suy tim mạn về sau, làm giảm khả năng gắng sức, tái nhập viện nhiều lần và có nguy cơ tử vong dài hạn.
Bệnh nhân đái tháo đường nếu bị đột quỵ do tắc hay vỡ các động mạch não với các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, giảm thị lực, nói khó, yếu liệt tay chân …, có thể gây tử vong trong giai đoạn cấp hoặc để lại di chứng tàn tật, rối loạn về vận động, cảm giác và ngôn ngữ. Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường có thể biến chứng bệnh động mạch ngoại biên, thường xảy ra ở chi dưới với triệu chứng đau cách hồi khi đi lại hay nghỉ ngơi, diễn tiến đến loét chân, hoại tử chi và hậu quả là đoạn chi, để lại tàn tật lâu dài.
Điều trị và phòng ngừa bệnh tim mạch do xơ vữa ở người đái tháo đường như thế nào?
Người đái tháo đường mắc bệnh tim mạch do xơ vữa cần được điều trị bằng điều chỉnh lối sống, dùng thuốc và can thiệp thủ thuật hay phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều loại thuốc khác nhau giúp kiểm soát đường huyết, huyết áp, mỡ máu, cải thiện triệu chứng như đau ngực, đau cách hồi, phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong. Các thuốc giảm đường huyết như ức chế SGLT2 hay đồng vận GLP1 có thể phòng ngừa tiên phát lẫn thứ phát bệnh tim mạch do xơ vữa. Ví dụ, thuốc Liraglutide được chứng minh giảm 13% nguy cơ biến cố gồm tử vong do tim mạch, nhồi máu cơ tim không tử vong và đột quỵ không tử vong, đồng thời giảm 15% tử vong do mọi nguyên nhân ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Trong một số trường hợp, bệnh nhân cần được tái thông mạch máu bằng cách dùng thuốc tiêu sợi huyết, nong và đặt stent trong lòng động mạch hay phẫu thuật bắc cầu mạch máu qua chỗ hẹp.
Điều chỉnh lối sống là liệu pháp nền tảng cũng như giúp phòng ngừa bệnh tim mạch do xơ vữa ở người đái tháo đường. Ngưng hút thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để ngăn ngừa tiến trình xơ vữa động mạch. Bệnh nhân cần lưu ý tránh xa khói thuốc lá nếu không phải là người hút thuốc. Mỗi người không nên uống quá 2 đơn vị rượu mỗi ngày đối với nam và 1 đơn vị rượu đối với nữ. Điều đó có nghĩa một ngày nam giới không nên uống quá 2 lon bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu mạnh; còn nữ giới thì không uống quá một nửa số lượng đó. Bệnh nhân cần vận động cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần (30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần). Bệnh nhân đái tháo đường cần hạn chế các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, chọn thức ăn nhiều chất xơ, ăn nhiều cá (ít nhất 1-2 lần/tuần), giảm ăn mặn và hạn chế chất béo bão hòa. Nếu thừa cân hoặc béo phì, bệnh nhân đái tháo đường cần giảm cân, duy trì chỉ số khối cơ thể thích hợp bằng chế độ ăn thích hợp, hoạt động thể lực và đôi khi cần dùng thuốc theo toa thuốc của bác sĩ.
Tóm lại, bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch do xơ vữa gồm bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não và bệnh động mạch ngoại biên. Bệnh tim mạch do xơ vữa có thể gây ra tử vong ngắn hạn và dài hạn hoặc tàn phế, giảm khả năng vận động và suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ để phòng ngừa các bệnh tim mạch do xơ vữa.
ThS.BS. Trần Công Duy,
Bộ môn Nội Tổng Quát, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.
Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...