KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT VỚI MÁY ĐO ĐƯỜNG HUYẾT LIÊN TỤC Ở BỆNH NHÂN DÙNG INSULIN

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Khác với máy thử đường huyết truyền thống đi kèm kim lấy máu đầu ngón tay, máy đo đường huyết liên tục được gắn vào cơ thể bạn trong một khoảng thời gian nhất định (thường là vài tuần). Thiết bị cảm biến có thể được gắn ở cánh tay hoặc bụng và cho phép kết nối với một bộ xử lý dữ liệu hay điện thoại thông minh để ghi nhận lại trị số đường huyết đã đo trong khoảng thời gian đó.

    

Có hai loại máy đo đường huyết liên tục dựa trên tần suất đo trong ngày. Loại đầu tiên hoạt động theo thời gian thực, nghĩa là cảm biến làm việc liên tục để hiển thị giá trị đường huyết của bạn tại mọi thời điểm và sẽ tự động phát ra tín hiệu cảnh báo khi đường huyết đạt đến một ngưỡng quá thấp, quá cao hay đang dao động quá nhanh so với thông thường. Loại thứ hai vẫn được gắn cố định trên người nhưng quét dữ liệu ngắt quãng, đồng nghĩa với việc trị số chỉ hiển thị mỗi khi bạn nhấn kích hoạt cảm biến. Với loại này, theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, bạn nên thực hiện đo đường huyết đều đặn, tối thiểu mỗi 8 giờ một lần [2]. Về mặt hiển thị, máy được chia thành dạng ẩn dữ liệu và hiển thị dữ liệu. Loại máy hiển thị cho phép chính bạn thấy được trị số đường huyết mỗi khi đo, trong khi nhóm còn lại thường được áp dụng tại các phòng khám, khi máy vẫn đo đều đặn nhưng trị số không được trình bày tức thời mà chỉ có thể được rút trích bởi nhân viên y tế sau khi bạn đeo một khoảng thời gian ước chừng từ 10-14 ngày.

 

Việc đo đường huyết liên tục được chứng minh lợi ích rõ ràng nhất nếu như bạn mắc đái tháo đường típ 1, khi đó cơ thể hoàn toàn thiếu hụt insulin và bạn phải tiêm insulin nhiều lần trong ngày hoặc dùng bơm insulin liên tục. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường típ 2 chưa đạt mục tiêu điều trị với chế độ tiêm insulin hiện tại cũng có thể được hưởng lợi ích từ việc theo dõi đường huyết liên tục nhằm chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Kết luận nói trên được thể hiện thông qua hiệu quả giảm HbA1C (trị số phản ánh đường huyết trung bình trong vòng ba tháng vừa qua của bạn) cũng như giảm tần suất xuất hiện các cơn hạ đường huyết [2].

 

Tuy nhiên, để đạt được những kết quả tích cực này, việc sử dụng máy đo đường huyết liên tục cần đạt nhiều tiêu chí chặt chẽ hơn so với máy thử đường huyết truyền thống. Mặc dù ưu điểm của loại thiết bị này là không cần dùng kim lấy máu đầu ngón tay mỗi ngày nhưng việc đeo cố định cảm biến trên người đôi khi vẫn gây khó chịu và bất tiện cho một số người. Tiếp theo, bạn cần có một số kiến thức và kỹ năng nhất định về việc cân chỉnh máy vì một số dụng cụ đòi hỏi người dùng phải hiệu chỉnh dữ liệu đều đặn hoặc mỗi khi nhận thấy trị số đo không tương hợp với triệu chứng hiện tại của bạn. Điều này có thể là một khó khăn đối với người sử dụng lớn tuổi hay người có vấn đề về thị lực. Ngoài ra, vấn đề giá thành hiện cũng đang là trở ngại, ngăn cản một bộ phận bệnh nhân tiếp cận được với công nghệ này. Tác dụng ngoại ý của miếng dán cảm biến là có thể gây dị ứng, viêm da tại vị trí tiếp xúc nhưng thường không nghiêm trọng. Hiện tại ở Việt Nam, mặc dù đã có một số thiết bị đo đường huyết liên tục được giới thiệu và thử nghiệm thành công trên bệnh nhân nhưng với những hạn chế kể trên, chúng vẫn chưa được phổ biến một cách đại trà. Do đó, máy thử đường huyết kèm kim lấy máu đầu ngón tay hiện vẫn đang là lựa chọn thích hợp cho đa phần bệnh nhân đái tháo đường típ 1 lẫn típ 2.

    

Hình 1: Minh hoạ máy đo đường huyết liên tục [1]

Tóm lại, các thiết bị này được coi là tiến bộ công nghệ, giúp bạn kiểm soát bệnh đái tháo đường tốt hơn, đặc biệt khi bạn đang sử dụng insulin. Tuy nhiên, dù bạn được chỉ định sử dụng thiết bị nào, điều quan trọng vẫn được nhấn mạnh trong các tài liệu khuyến cáo là hiệu quả chỉ thực sự đạt được khi kết hợp với chế độ điều trị hợp lý, bao gồm thay đổi dinh dưỡng, hoạt động thể lực và dùng thuốc. Bạn không nên quá lệ thuộc vào những công nghệ này mà bỏ quên các bước theo dõi, tái khám, điều trị cơ bản như bác sĩ hướng dẫn.

Tài liệu tham khảo

  1.  https://time.com/4703099/continuous-glucose-monitor-blood-sugar-diabetes/
  2.  American Diabetes Association (2020). 7. Diabetes Technology: Standard of Medical Care in Diabetes - 2020. Diabetes Care, 43(Suppl. 1), S77-S88.

VNM/NONE/0420/0003

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
127
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2721
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1390
DỊCH TỄ HỌC VÀ GÁNH NẶNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...

Xem thêm
376