Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Tầm soát nghĩa là thực hiện xét nghiệm trên những người có nguy cơ cao nhưng không triệu chứng nhằm phát hiện xem ai thực sự mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường. Vậy hãy cùng tìm hiểu lợi ích của tầm soát tiền đái tháo đường nào.
Đầu tiên, cần nhớ lại rằng tiền đái tháo đường là trạng thái trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Mặc dù đường huyết của bạn lúc này chưa cao đến mức đủ gọi là đái tháo đường nhưng tiền đái tháo đường vẫn mang ba ý nghĩa quan trọng: thứ nhất, bệnh nhân tiền đái tháo đường có khả năng tiến triển thành đái tháo đường trong tương lai; thứ hai, người tiền đái tháo đường đã tăng nguy cơ biến chứng tim mạch hơn so với bình thường và thứ ba, những dữ liệu mở ra triển vọng khả quan về việc điều trị hiệu quả ngay từ giai đoạn sớm này nhằm hồi phục về đường huyết bình thường hoặc ít nhất cũng giữ nguyên tình trạng, hạn chế tiến triển thành đái tháo đường và giảm biến cố tim mạch.
Vì vậy, việc tầm soát để phát hiện tiền đái tháo đường được đặt ra và nhận được sự quan tâm của các bác sĩ. Chú ý rằng tầm soát tiền đái tháo đường cũng đồng nghĩa tầm soát đái tháo đường típ 2, bởi vì bạn được bác sĩ chỉ định các xét nghiệm tương tự nhau, chỉ khác mức độ tăng của đường huyết mà phân định chẩn đoán. Tầm soát tiền đái tháo đường mang lại lợi ích trên nhiều khía cạnh [1]:
- Đem lại kết cục tốt hơn cho chính bản thân bạn. Thay đổi lối sống thành công với việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, giảm cân (nếu đang thừa cân, béo phì) và tích cực hoạt động thể lực có thể giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống, tránh phải nghỉ làm do bệnh, giảm sự phụ thuộc vào thuốc điều trị tiền đái tháo đường và thuốc kiểm soát các bệnh đồng mắc khác như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì, đồng thời có tâm lý tốt hơn, giảm lo âu căng thẳng về việc bệnh tiến triển thành đái tháo đường típ 2. Bên cạnh đó, khi phát hiện được bệnh sớm, được đánh giá để biết được nguy cơ tim mạch, nguy cơ biến chứng của chính mình và có kế hoạch hành động kịp thời sau khi thảo luận với bác sĩ, bạn sẽ giảm được khả năng mắc biến cố tim mạch lâu dài về sau.
Việc điều trị từ giai đoạn tiền đái tháo đường tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với để bệnh chuyển thành đái tháo đường, khi phải tốn thêm nhiều chi phí y tế liên quan đến biến chứng cấp đòi hỏi nhập viện, sử dụng nhiều loại thuốc men hơn và mất ngày công lao động do nghỉ bệnh [2].
Về mặt quản lý vĩ mô, một điều thú vị là, nếu những bệnh nhân tiền đái tháo đường được quản lý và điều trị tốt, hiệu quả ghi nhận được là giảm gánh nặng lên hệ thống y tế cơ sở và y tế chuyên sâu, từ đó nhân viên y tế có thể dành nguồn lực tốt hơn để quản lý những trường hợp đái tháo đường có biến chứng nặng thật sự cần thiết nhập viện.
Điều này có nghĩa là khi bạn được tầm soát và phát hiện, điều trị bệnh sớm thì bạn không những củng cố được sức khỏe bản thân mà còn đang gián tiếp giúp đỡ nâng cao sức khỏe cho người xung quanh. Nói cách khác, khi sức khỏe mỗi cá nhân được đảm bảo thì sức khỏe dân số chung cũng cải thiện đáng kể.
Nhiều công trình nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng ủng hộ các lợi ích kể trên. Nghiên cứu Ely so sánh tỉ lệ tử vong ở những người được mời ngẫu nhiên và có đến trung tâm y tế để tầm soát đái tháo đường, những người được mời nhưng không đến và những người còn lại [3].
Kết quả cho thấy tỉ lệ tử vong ở nhóm đến tiến hành tầm soát thấp hơn so với nhóm không được mời và nhóm được mời nhưng không đến. Lý do giải thích được kết quả tích cực nêu trên là việc tầm soát không những giúp phát hiện ra bệnh nhân tiền đái tháo đường và đái tháo đường típ 2 mà còn nhận diện ra một số yếu tố nguy cơ tim mạch, từ đó báo động cho cả người bệnh lẫn bác sĩ nhằm điều trị sớm để kiểm soát sức khỏe nói chung. Nghiên cứu nói trên còn tìm ra thêm hai đặc điểm quan trọng trong chiến lược tầm soát đái tháo đường.
Thứ nhất, nam giới ít khả năng tham gia tầm soát hơn so với nữ, có thể do tính chất công việc bận rộn hay nguyện vọng cá nhân. Điều này tương đồng với đề tài ADDITION-Cambridge trước đó và gợi ý nên dành sự chú trọng cũng như nỗ lực đưa chương trình tầm soát đến đối tượng nam giới [4].
Thứ hai, nhằm giảm thiểu tỉ lệ dân số nghiên cứu không tham dự tầm soát, cần có một phương tiện, chiến lược mang tính thực hành cao hơn nhằm nhận diện người với nguy cơ tiền đái tháo đường hay đái tháo đường típ 2.
Trước đây, độ tuổi trong dân số chung được khuyến cáo nên bắt đầu tầm soát tiền đái tháo đường là 45 tuổi. Tuy nhiên, hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) năm 2022 đã giảm con số nói trên xuống còn 35 tuổi. Một số đề tài ủng hộ việc thay đổi này.
Ví dụ, trong một nghiên cứu, các tác giả so sánh tám cách tiếp cận khác nhau với người không được tầm soát: (1) thực hiện trên toàn bộ dân số, bắt đầu từ 30 tuổi, lặp lại mỗi 3 năm, (2) từ 45 tuổi, lặp lại mỗi năm, (3) từ 45 tuổi, lặp lại mỗi 3 năm, (4) từ 45 tuổi, lặp lại mỗi 5 năm, (5) từ 60 tuổi, lặp lại mỗi 3 năm, (6) chỉ khi bệnh nhân kèm tăng huyết áp, lặp lại mỗi năm, (7) chỉ khi bệnh nhân kèm tăng huyết áp, lặp lại mỗi 5 năm, (8) tầm soát tích cực từ năm 30 tuổi, lặp lại mỗi 6 tháng. Tất cả các nhóm đều được ngưng tầm soát khi đủ 75 tuổi.
Đề tài này quan tâm đến mối cân bằng giữa chất lượng cuộc sống của bạn và số tiền mà hệ thống y tế chi trả để tầm soát diện rộng. Kết quả ghi nhận, nếu đến 60 tuổi mới bắt đầu tầm soát và chỉ lặp lại mỗi 3 năm, chi phí bỏ ra rất thấp nhưng ngược lại chất lượng cuộc sống kém. Nếu tầm soát từ 45 tuổi và lặp lại mỗi năm, chi phí khá cao nhưng chất lượng cuộc sống không cải thiện thêm nhiều. Nếu tầm soát tích cực, chất lượng cuộc sống cao nhất nhưng chi phí rất lớn.
Như vậy, các chiến lược tầm soát còn lại dường như có ích và phù hợp hơn. Cụ thể, việc tầm soát đái tháo đường típ 2 mang lại hiệu quả cao nhất nếu bắt đầu từ khoảng 30-45 tuổi và lặp lại mỗi 3-5 năm (Hình 1) [6]. Đây là lý do để ADA thay đổi độ tuổi bắt đầu tầm soát xuống còn 35 tuổi và khuyến cáo nên lặp lại mỗi 3 năm nếu như kết quả của bạn bình thường [5].
Hình 1: Chiến lược tầm soát hiệu quả nhất là bắt đầu từ khoảng 30-45 tuổi, mỗi 3 năm/lần [6]
Tóm lại, tầm soát để phát hiện sớm tiền đái tháo đường và đái tháo đường típ 2 mang lại lợi ích sức khỏe lẫn kinh tế cho bạn. Khi không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, tất cả mọi người nên bắt đầu tầm soát từ năm 35 tuổi và lặp lại mỗi 3 năm nếu như kết quả bình thường. Nếu kết quả bất thường hay bạn xuất hiện yếu tố nguy cơ mới, bác sĩ có thể chỉ định tầm soát với tần suất dày hơn (ví dụ mỗi năm một lần).
VN_GM_PRE-DIA_237
EXP: 31/12/2023
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.
Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...