Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh lý chuyển hóa mạn tính vì thế bạn cần đặt ra nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường hợp lý. Bởi vì hầu hết thực phẩm mà bạn ăn vào đều ít nhiều tác động đến quá trình chuyển hóa của cơ thể. Nếu bạn đang sống cùng với đái tháo đường (ĐTĐ) nói chung và ĐTĐ típ 2 (ĐTĐ2) nói riêng, chế độ dinh dưỡng là một trong ba trụ cột, bên cạnh hoạt động thể lực và thuốc men, nhằm kiểm soát đường huyết để hạn chế biến chứng. Không những ảnh hưởng đến đường huyết, một chế độ ăn phù hợp còn giúp bạn giảm cân và duy trì cân nặng tối ưu.
Đây cũng là một mục tiêu được quản lý đồng thời trong quá trình điều trị Đái tháo đường type 2 bởi vì giảm cân giúp giảm hiện tượng đề kháng insulin, kiểm soát đường huyết tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ biến chứng tim mạch.
Bởi vì tinh bột được cơ thể chuyển hóa thành đường nên một phần ăn quá giàu tinh bột, đặc biệt là tinh bột hấp thu nhanh, sẽ làm đường huyết tăng mạnh, trong khi không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng khác. Vì vậy, bệnh nhân ĐTĐ được khuyên sử dụng các thực phẩm với hàm lượng (nồng độ) dinh dưỡng cao (nutrient-dense food) để không phải sử dụng khối lượng lớn thực phẩm mà vẫn đảm bảo nhu cầu những dưỡng chất quan trọng như tinh bột phức tạp (ít và chậm gây tăng đường huyết hơn tinh bột đơn giản), chất đạm, chất béo có lợi, chất xơ, vitamin, muối khoáng.
Một số nguyên vật liệu được xếp vào loại thực phẩm giàu dinh dưỡng là cá hồi, cá mòi, động vật có vỏ như sò, ốc, hàu, gan động vật, lòng đỏ trứng, cải xoăn kale, rong biển, tỏi, khoai tây, quả việt quất và chocolate đen [1]
Hình 1: Các thực phẩm với hàm lượng dinh dưỡng cao [1]
Mặc dù bạn được khuyên giảm lượng dầu mỡ trong khẩu phần ăn nhưng không phải cứ hạn chế một cách cực đoan là tốt. Theo bác sĩ dinh dưỡng, lượng chất béo ăn vào ở người bình thường khỏe mạnh nên chiếm khoảng 20-35% tổng năng lượng hàng ngày [2]. Con số 20% là mức tối thiểu nên đạt, bởi đây là ngưỡng đủ để đảm bảo bạn có năng lượng hoạt động trong ngày (chất béo là nguồn sinh năng lượng hiệu quả hơn tinh bột và đạm), hấp thu đủ acid béo thiết yếu và các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K.
Đồng thời, nếu ăn lượng chất béo quá thấp dưới mức này, tỉ trọng tinh bột trong bữa ăn tăng lên, cơ thể phải chuyển sang lấy năng lượng từ tinh bột và gây rối loạn lipid máu theo hướng gây xơ vữa động mạch (tăng triglyceride và giảm HDL-cholesterol hay còn gọi là cholesterol “tốt”) bởi vì phần tinh bột dư thừa sẽ được cơ thể chuyển hóa thành triglyceride. Con số 35% là mức tối đa không nên tăng thêm, bởi vì tiêu thụ chất béo cao hơn nữa thì một loại hợp chất “xấu” là chất béo dạng trans sẽ vượt quá lượng khuyến cáo nên dùng mỗi ngày, cũng như nhiều chất béo làm cơ thể tích lũy năng lượng, dẫn đến tăng cân.
Nhìn chung, tỉ lệ nói trên cũng được áp dụng cho bệnh nhân ĐTĐ tương tự như ở người khỏe mạnh. Thứ hai, không phải tất cả các loại chất béo đều xấu. Bạn thường được bác sĩ khuyến cáo chọn sử dụng các thành phần chất béo có lợi cho sức khỏe tim mạch như acid béo không bão hòa đơn (monounsaturated fatty acid – MUFA, ví dụ omega-7, omega-9), acid béo không bão hòa đa (polyunsaturated fatty acid – PUFA, ví dụ omega-3, omega-6) để thay cho chất béo bão hòa (saturated), vốn được biết đến là làm thay đổi các chỉ số lipid máu của bạn theo hướng xấu, từ đó gây tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Omega-3 có nhiều trong cá và các loại hải sản, đặc biệt là cá sống ở vùng nước lạnh như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích và cá mòi; các loại quả kiên, hạt khô như hạt lanh, hạt chia, quả óc chó; dầu thực vật như dầu hạt lanh, đậu nành, hạt cải. Hiện nay, một số thực phẩm chế biến cũng được nhà sản xuất bổ sung thêm các loại omega-3 chẳng hạn như DHA hay EPA, ví dụ sữa, sữa chua hoặc nước ép trái cây [3].
Chất xơ là nhóm chất tiếp theo nên được sử dụng nhiều ở bệnh nhân ĐTĐ2. Ngoài tác động tốt cho đường ruột (giảm táo bón, hỗ trợ vi khuẩn đường ruột có lợi) như bạn thường biết đến trước đây, chất xơ sau khi ăn vào tồn tại ở hệ tiêu hóa lâu hơn các nhóm dưỡng chất khác, giúp tạo sự no kéo dài để hạn chế cảm giác đói, thèm ăn. Đồng thời, khẩu phần ăn giàu chất xơ còn làm đường huyết của bạn tăng chậm hơn, giảm bớt dao động đường huyết sau mỗi bữa ăn.
Một thực tế không chỉ riêng ở bệnh nhân ĐTĐ2 mà cả người khỏe mạnh nói chung là rất ít người tiêu thụ đủ lượng chất xơ theo khuyến cáo mỗi ngày, mặc dù tất cả chúng ta đều dễ dàng nhận biết những thực phẩm giàu chất xơ là rau củ, trái cây. Tuy nhiên, cần chú ý rằng trái cây, đặc biệt trái cây chín, có thể chứa hàm lượng đường khá nhiều, khả năng làm đường huyết của bạn tăng cao khi sử dụng lượng lớn.
Ngược với các nhóm thức ăn được khuyên dùng nêu trên, có một số thực phẩm mà bệnh nhân Đái tháo đường nên hạn chế sử dụng, mặc dù không hoàn toàn cấm tuyệt đối. Nhóm đầu tiên rõ ràng nhất là đồ ngọt, bởi vì chúng trực tiếp làm tăng đường huyết của bạn. Đồ ngọt ở đây bao gồm một danh mục nhiều thực phẩm, từ bánh, kẹo, kem, các món tráng miệng cho tới đồ uống có đường như nước ngọt, soda, nước ép trái cây, nước tăng lực. Nếu bạn muốn ăn trái cây, hãy ăn quả tươi thay vì uống nước ép vì quả tươi cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và hạn chế làm tăng đường huyết hơn.
Tiếp theo, nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo “xấu”, ví dụ chất béo dạng rắn như mỡ động vật, bơ thực vật (mặc dù nguồn gốc thực vật nhưng lại giàu acid béo dạng trans và acid béo bão hòa không có lợi cho sức khỏe được tạo ra trong quá trình sản xuất), đồ chiên, thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp (thường nhiều muối, chất bảo quản) hay các sản phẩm từ sữa nguyên kem như sữa, bơ, phô mai và kem chua.
Bệnh nhân ĐTĐ2 được khuyến cáo học cách tính lượng tinh bột ăn vào (carb counting) bởi vì đây là nhóm chất dinh dưỡng chính làm tăng đường huyết của bạn. Khi theo dõi số liệu này cẩn thận, bạn có thể rút ra được kinh nghiệm về lượng tinh bột nên ăn đi kèm chế độ thuốc điều trị để duy trì được mức đường huyết mong muốn. Một số thực phẩm cần để ý khi thực hành tính tinh bột là gạo, nếp, bột mì, lúa mạch, các loại ngũ cốc khác; rau củ họ đậu; khoai tây, khoai lang hay những rau dạng củ chứa nhiều tinh bột; trái cây nguyên quả hoặc nước ép trái cây; sữa, sữa chua; snack, món tráng miệng và nước ngọt dùng ngoài bữa ăn chính.
Thông thường để tính tinh bột, bạn cần một bảng tham khảo về lượng tinh bột có trong từng loại thực phẩm cụ thể. Bảng này thường được cung cấp trong các sách dinh dưỡng hoặc một số website hỗ trợ bệnh nhân Đái tháo đường type 2. Giai đoạn đầu đôi khi bạn cần đến sự trợ giúp của nhân viên y tế để hiểu ý nghĩa và cách thực hành đếm tinh bột đúng, sau đó có thể tự làm. Một cách đơn giản hơn thay vì phải sử dụng các con số tính toán là áp dụng phương pháp cái đĩa (plate method - Hình 2).
Trong phương pháp này, lượng thức ăn cho mỗi bữa được hình tượng chứa trong một chiếc đĩa ăn đường kính khoảng 24cm. Một nửa chiếc đĩa này nên dành cho trái cây và rau ít tinh bột, ít đường. Một phần tư dành cho cơm, bánh mì, ngũ cốc chứa tinh bột và một phần tư cuối cùng là của chất đạm từ thịt, cá, trứng. Bạn có thể sử dụng một khẩu phần nhỏ sữa và các sản phẩm từ sữa đi kèm.
Một nguyên tắc chung cuối cùng là khẩu phần ăn, dù là dành cho người bệnh, cũng nên đa dạng thành phần và thiết kế hợp khẩu vị cá nhân. Một chế độ hạn chế, kiểm soát quá chặt chẽ hay không phù hợp với lịch trình sinh hoạt, làm việc hiện tại của bạn sẽ khó có thể duy trì được lâu dài.
VN_GM_DIA_152
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.
Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...