Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
COVID-19 (Coronavirus Disease 2019) do SARS-CoV-2 gây ra hiện đã được Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) công nhận là một đại dịch toàn cầu từ ngày 11/3/2020, với khoảng gần 700 ngàn ca nhiễm tính đến ngày 29/3/2020 [1]. Tại thời điểm này, 23 tỉnh thành phố tại Việt Nam đã ghi nhận có trường hợp mắc với tổng số 179 bệnh nhân.
Nếu mắc đái tháo đường hoặc bệnh tim mạch, bạn có nguy cơ diễn tiến nặng hơn so với dân số chung, từ đó đưa đến một số quan ngại về vấn đề chuẩn bị, chăm sóc và điều trị đái tháo đường trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association) trong một bài đăng mới đây đã đưa ra lời giải đáp cho một số câu hỏi phổ biến mà bạn có thể gặp phải trong thời gian này [3]:
Hiện tại không có dữ liệu cho thấy bạn dễ bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn so với những người không mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chủ quan mà vẫn cần tuân thủ các quy định của Bộ Y tế nhằm làm giảm khả năng lây bệnh.
Vấn đề mà bạn đối mặt chủ yếu trong thời điểm này là nếu như mắc phải COVID-19, bạn có khả năng diễn tiến nặng hơn dân số chung, đặc biệt nếu kèm theo cả tăng huyết áp hay bệnh mạch vành. Do đó, việc theo dõi triệu chứng nhiễm virus nhằm phát hiện bệnh sớm cũng như triệt để tuân thủ những hướng dẫn phòng ngừa lây lan virus trong cộng đồng của Bộ Y tế là điều cần thiết.
Mặc dù cùng là bệnh do virus gây ra, COVID-19 đặc biệt nghiêm trọng hơn cúm mùa do tốc độ lây lan cực kỳ nhanh chóng và ảnh hưởng tới toàn thể mọi đối tượng trong dân số, trong đó có bạn.
Tương tự như các tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn khác, COVID-19 làm cho đường huyết bạn kém kiểm soát dễ dẫn đến nhiễm toan ceton (đặc biệt nếu bạn mắc đái tháo đường típ 1). Do vậy, việc theo dõi đường huyết sát hơn và tham vấn ý kiến của bác sĩ về việc điều chỉnh phác đồ nếu cần trong thời gian này là việc nên làm.
Bạn cần lưu tâm hai nhóm triệu chứng. Đầu tiên là các dấu hiệu của nhiễm COVID-19, bao gồm sốt, ho, khó thở. Nếu có một trong các dấu hiệu nói trên kèm theo tiền sử từng tiếp xúc với người nhiễm hay người nghi nhiễm, bạn cần ở yên tại nhà và gọi điện thoại thông báo cho nhân viên y tế, tránh việc di chuyển ngoài đường, trên phương tiện giao thông công cộng hoặc tự ý đến khám tại những bệnh viện không được phân đúng chuyên khoa để cách ly và điều trị COVID-19. Nhóm thứ hai là các triệu chứng của tình trạng đường huyết cao, có thể nhiễm toan ceton, bao gồm khát nước, tiểu nhiều, sụt cân, mệt nhiều, lừ đừ, khó thở, buồn nôn hay nôn và đau bụng. Những dấu hiệu nói trên đòi hỏi bạn phải liên hệ ngay với bác sĩ để biết hướng xử trí tiếp theo và thời điểm cần nhập viện.
Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy sự khác biệt về nguy cơ nhiễm hay diễn tiến của COVID-19 trên bệnh nhân đái tháo đường típ 1 và típ 2. Mức độ nặng của bệnh hiện tại phụ thuộc chủ yếu vào tuổi, số lượng bệnh đi kèm ngoài đái tháo đường (thí dụ tăng huyết áp, bệnh mạch vành) và mức độ kiểm soát đường huyết.
Ngoài các biện pháp phòng ngừa lây truyền virus chung như rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc nước rửa tay khô ít nhất 20 giây, mang khẩu trang ở nơi công cộng, giảm tiếp xúc xã hội, giữ khoảng cách tốt thiểu 2 mét với người xung quanh, hạn chế di chuyển nếu không cần thiết, thực hiện khai báo y tế qua ứng dụng điện thoại và cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế [4], bệnh nhân đái tháo đường còn cần được chú ý một số vấn đề sau:
Nếu đã được chẩn đoán bệnh, bạn sẽ được nhập viện điều trị và cách ly. Thông thường, bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc đái tháo đường cho phù hợp trong lúc bạn nằm viện. Tuy nhiên, nếu bạn đang trong giai đoạn cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung và chưa phải nhập viện, hãy tiếp tục sử dụng các thuốc hiện tại cho đến khi bác sĩ có ý kiến thêm và không tự ý ngưng thuốc, nhất là insulin, để tránh nguy cơ đường huyết tăng không kiểm soát gây biến chứng nặng.
Trên đây là một số điều thắc mắc liên quan đến đái tháo đường mà bạn có thể gặp phải trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Nếu vẫn còn lo ngại hoặc chưa hiểu rõ, đừng ngại ngần liên hệ với nhân viên y tế để được hướng dẫn thêm.
Tài liệu tham khảo
VNM/NONCMCGM/0320/0010
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.
Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...