Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Cơ thể mỗi người chúng ta có hai quả thận, mỗi thận bao gồm khoảng một triệu đơn vị chức năng nhỏ li ti giống như những nhà máy lọc nước với nhiều ống dẫn nước đi vào và đi ra, gọi là nephron. Các nhà máy này hoạt động liên tục để giúp cơ thể loại bỏ chất thải độc hại ra khỏi dòng máu.
Hình 1: Nephron thận ở người bình thường và người đái tháo đường
Khi bạn mắc đái tháo đường, lượng đường trong máu tăng cao hơn so với khả năng điều hòa của cơ thể. Sự thay đổi đường huyết vượt ngưỡng bình thường này làm cho các mạch máu của cơ thể bị xơ vữa, hay nói cách khác, mạch máu ngày càng bị tích tụ mảng bám và hẹp lại dần, trong đó có mạch máu ở thận. Điều này gây giảm lượng máu đi vào thận và thận phải cố gắng điều chỉnh để tăng lưu lượng trở lại. Tuy nhiên, sự thay đổi nói trên lại dẫn đến một tình trạng không mong muốn là tăng huyết áp. Huyết áp cao lâu ngày làm cho thận bị tổn thương, cuối cùng dẫn đến suy thận.
Bên cạnh đó, khi đường huyết cao, thận phải cố gắng thực hiện nhiệm vụ lọc máu nhiều hơn và dần rơi vào tình trạng quá tải. Các nhà máy nephron ở thận khi hoạt động quá mức lâu ngày sẽ dần bị hư hại, biểu hiện bởi sự dần xuất hiện một vài lỗ hổng gây thoát mất các chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là đạm. Khi những tổn thương này trở nên quá nặng, nephron giảm hoạt động từ từ rồi ngừng hẳn, các chất độc thay vì được loại bỏ khỏi dòng máu lại tích tụ bên trong cơ thể, đó chính là lúc bạn bị suy thận.
Ngoài ra, với tình trạng đái tháo đường diễn tiến lâu ngày, một cơ quan khác ở gần thận cũng bị ảnh hưởng, đó là bàng quang. Bạn sẽ giảm cảm giác mắc tiểu dù bàng quang đã chứa đầy nước. Việc ứ đọng này làm cho thận khó tiếp tục thực hiện công việc lọc máu của mình vì đường ra đã bị tắc nghẽn, đồng thời đường tiểu dễ bị nhiễm vi khuẩn hơn. Cả hai yếu tố này đều làm tổn thương thận và kết cục là suy thận.
Tóm lại, sự tổng hòa nhiều yếu tố nói trên làm cho thận thay đổi về cấu trúc cũng như chức năng, không thể đảm nhiệm vai trò lọc máu và thải bỏ chất độc khỏi cơ thể như bình thường. Do vậy, suy thận được coi là một biến chứng của đái tháo đường. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai bị đái tháo đường cũng đều chắc chắn dẫn tới suy thận. Nếu bạn được theo dõi, điều trị đúng mức và tuân thủ những lời khuyên từ bác sĩ, bạn sẽ giảm thiểu được nguy cơ của biến chứng này.
Tài liệu tham khảo
VNM/NONCMCGM/1019/0095
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.
Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...