THAY ĐỔI LỐI SỐNG TRONG ĐIỀU TRỊ TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

    Việc thay đổi lối sống trong điều trị tiền đái tháo đường, theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) năm 2022, tập trung vào thay đổi lối sống với các trọng tâm là chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực, quản lý cân nặng và ngưng hút thuốc (Hình 1) [1]. Tuy nhiên, bạn có thể được chỉ định can thiệp bằng thuốc nếu chưa đáp ứng điều trị như mong đợi.

Hình 1: Các biện pháp thay đổi lối sống trong tiền đái tháo đường [1]

Dinh dưỡng

Điểm chính trong chương trình tư vấn dinh dưỡng dành cho người bệnh tiền đái tháo đường là giảm lượng chất béo và giảm tổng năng lượng nhập vào mỗi ngày [2, 3]. Tuy nhiên, không có con số cố định dành cho tỉ lệ các thành phần tinh bột, chất béo và chất đạm trong khẩu phần của bạn mà chúng phụ thuộc vào kiểu chế độ ăn đang áp dụng, sở thích và mục tiêu giảm cân của từng người, miễn là chú trọng đến tổng lượng năng lượng ăn vào hàng ngày. Những chế độ ăn được chứng minh có lợi cho người tiền đái tháo đường là Địa Trung Hải hoặc chế độ low-carb (giảm tinh bột) [4, 5]. Ngoài ra, những người áp dụng chế độ ăn chay, ăn chủ yếu thực vật (kèm một lượng ít thịt động vật) hay chế độ DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) dành cho bệnh nhân tăng huyết áp cũng đồng thời có lợi trong phòng ngừa tiến triển thành đái tháo đường típ 2 [6, 7].

Ngay cả khi không tuân thủ cố định theo một chế độ ăn cho người đái tháo đường định sẵn nào, việc chú trọng khẩu phần vào ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt khô, trái cây và rau củ, đồng thời giảm ăn thức ăn đã qua chế biến hay tinh luyện, cũng được chứng minh làm giảm khả năng mắc đái tháo đường típ 2 của bạn [8]. Bên cạnh đó, cắt giảm chất béo, giảm lượng tinh bột trong bữa ăn cũng giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn, giảm triglyceride (bởi vì tinh bột có thể được cơ thể chuyển thành triglyceride, một loại lipid máu) và giảm cân nhờ giảm cung cấp năng lượng.

Bạn nên chọn các loại rau củ ít tinh bột và giàu chất xơ. Nếu dùng chế phẩm từ sữa, cần hạn chế thêm đường vào. Cần thay thế các loại nước ngọt, kể cả nước ép trái cây bằng nước lọc càng nhiều càng tốt để giúp giảm đường huyết, giảm cân, hạn chế gan nhiễm mỡ. Một số chế độ ăn, ví dụ Địa Trung Hải, nhấn mạnh vào việc giảm chất béo có hại (chất béo bão hòa, chất béo dạng trans) và thay bằng chất béo không bão hóa có lợi hơn cho sức khỏe tim mạch nói riêng và sức khỏe tổng quát nói chung.

Tuy nhiên, bạn cần chú ý rằng chất béo là nguồn cung cấp năng lượng lớn, dễ dẫn đến dư thừa năng lượng, do đó chỉ nên sử dụng một lượng nhất định trong bữa ăn hàng ngày, bất kể loại nào. Bệnh nhân tiền đái tháo đường, đái tháo đường cũng được bác sĩ khuyên giảm muối tương tự bệnh nhân tim mạch, với mức chung là 2,300 mg natri/ngày (tương đương khoảng một muỗng cà phê muối/ngày). Những năm gần đây, các chất làm ngọt nhân tạo như aspartame, ACEK, saccharin mặc dù thay thế đường truyền thống và giúp hạn chế tăng đường huyết nhưng vẫn có một số quan ngại về tính an toàn thực sự, cụ thể là khả năng gây đề kháng insulin hay tác động rối loạn chuyển hóa mà chưa được tìm hiểu hết, do đó tốt nhất vẫn nên thay thế đường và hạn chế cả các chất làm ngọt này.

Hoạt động thể lực

Bằng chứng rõ ràng từ nhiều nghiên cứu là hoạt động thể lực giúp phòng ngừa đái tháo đường típ 2 hiệu quả và giảm khả năng mắc biến cố tim mạch. Bạn nên luân phiên xen kẽ tập cả những bài tập hiếu khí (aerobic) và tập kháng lực. Nên khởi đầu tập ít nhất 10 phút/phiên và trung bình nên đạt khoảng 30 phút/ngày, rải đều hầu hết các ngày trong tuần, tốt nhất không nghỉ quá 2 ngày liên tiếp. Theo thời gian, tăng dần cường độ và thời gian tập sao cho vừa sức cá nhân, với mục đích khoảng 150 phút/tuần các bài tập trung bình-nặng.

Quản lý cân nặng

Một sự thay đổi chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực thành công sẽ được phản ánh qua mức độ thay đổi cân nặng nếu trước đó bạn đang ở mức thừa cân, béo phì. Hướng dẫn ADA khuyến cáo nên giảm được khoảng 7% cân nặng là hợp lý [1].

Can thiệp hỗ trợ bởi công nghệ

Dưới sự phát triển của kỹ thuật số trong thời đại đại công nghệ 4.0, ADA đã dần đề cập đến một số tiến bộ công nghệ nhằm hỗ trợ quản lý bệnh nhân tiền đái tháo đường và đái tháo đường, thông qua việc củng cố thay đổi lối sống, giảm cân và từ đó, giảm nguy cơ xuất hiện đái tháo đường hoặc giảm khả năng mắc biến cố tim mạch. Các công nghệ này được chuyển tải thông qua ứng dụng di động, website và hệ thống y tế từ xa, được hứa hẹn sẽ dần phát triển và trở thành một thành tố quan trọng trong điều trị bệnh nhân tiền đái tháo đường [9].

    Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để chứng minh lợi ích của thay đổi lối sống nếu bạn mắc tiền đái tháo đường. So với người không thay đổi lối sống, những bệnh nhân áp dụng phối hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực đầy đủ có khả năng giảm được 27-51% nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường [2, 10-12]. Điều thú vị là thay đổi lối sống thậm chí còn hiệu quả hơn cả can thiệp bằng thuốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp này và do đó nên là chọn lựa đầu tiên nếu bạn bị tiền đái tháo đường, ngoài ra vẫn nên duy trì đồng thời tiết chế dinh dưỡng, hoạt động thể lực khi đã có chỉ định điều trị thuốc. Mặc dù lợi ích được chứng minh rõ ràng như trên, biện pháp can thiệp lối sống có một nhược điểm chính, đó là hiệu quả giảm cân của phương pháp này giảm dần theo thời gian. Vì vậy, nếu không được theo dõi, củng cố thường xuyên thì biện pháp này có khả năng thất bại về lâu dài.

    Tóm lại, thay đổi lối sống chú trọng vào chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực là biện pháp đầu tiên hiệu quả nhằm ngăn ngừa tiến triển thành đái tháo đường cũng như giảm thiểu nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng ý thức của bản thân về sự tuân thủ dài hạn là điều cần thiết để duy trì lợi ích kể trên và phải tiến hành theo dõi định kỳ để phát hiện sớm thời điểm mà can thiệp lối sống không còn hiệu quả nhằm chỉ định thuốc kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  •  American Diabetes Association. Standards of Medical Care in Diabetes – 2022. Diabetes Care. 2022 Jan;45(Suppl 1)
  •  Knowler WC, Barrett-Connor E, Fowler SE, et al.; Diabetes Prevention Program Research Group. Reduction in the incidence of type 2 diabetes with lifestyle intervention or metformin. N Engl J Med 2002;346:393–403
  •  Evert AB, Dennison M, Gardner CD, et al. Nutrition therapy for adults with diabetes or prediabetes: a consensus report. Diabetes Care 2019;42:731–754
  •  Estruch R, Ros E, Salas-Salvado J, et al.;PREDIMED Study Investigators. Primary prevention of cardiovascular disease with a Mediterranean diet supplemented with extravirgin olive oil or nuts. N Engl JMed 2018;378:e34
  •  Stentz FB, Brewer A,Wan J, et al. Remission of pre-diabetes to normal glucose tolerance in obese adults with high protein versus high carbohydrate diet: randomized control trial. BMJ Open Diabetes Res Care 2016;4:e000258
  •  Qian F, Liu G, Hu FB, Bhupathiraju SN, Sun Q. Association between plant-based dietary patterns and risk of type 2 diabetes: a systematic review and meta-analysis. JAMA Intern Med 2019;179:1335–1344
  •  Esposito K, Chiodini P, Maiorino MI, Bellastella G, Panagiotakos D, Giugliano D. Which diet for prevention of type 2 diabetes? A metaanalysis of prospective studies. Endocrine 2014;47:107–116
  •  Ley SH, Hamdy O, Mohan V, Hu FB. Prevention and management of type 2 diabetes: dietary components and nutritional strategies. Lancet 2014;383:1999–2007
  •  Sepah SC, Jiang L, et al (2015). Long-term outcomes of a Web-based diabetes prevention program: 2-year results of a single-arm longitudinal study. J Med Internet Res, 17:e92
  •  Gong Q, Zhang P, et al.; Da Qing Diabetes Prevention Study Group (2019). Morbidity and mortality after lifestyle intervention for people with impaired glucose tolerance: 30-year results of the Da Qing Diabetes Prevention Outcome Study. Lancet Diabetes Endocrinol, 7:452–461.
  •  Lindstr¨om J, Ilanne-Parikka P, et al.; Finnish Diabetes Prevention Study Group (2006). Sustained reduction in the incidence of type 2 diabetes by lifestyle intervention: follow-up of the Finnish Diabetes Prevention Study. Lancet, 368:1673–1679.
  •  Nathan DM, Barrett-Connor E, et al.; Diabetes Prevention Program Research Group (2015). Long-term effects of lifestyle intervention or metformin on diabetes development and microvascular complications: the DPP Outcomes Study. Lancet Diabetes Endocrinol, 3:866–875

VN_GM_PRE-DIA_240

EXP: 31/12/2023

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
127
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2721
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1390
DỊCH TỄ HỌC VÀ GÁNH NẶNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...

Xem thêm
376