VAI TRÒ CỦA IOD ĐỐI VỚI BỆNH TUYẾN GIÁP

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Đầu tiên, hiểu một cách đơn giản, cơ thể của bạn cần iod vì iod là nguyên liệu tổng hợp nên hormone giáp. Hormone giáp đóng vai trò như chiếc đồng hồ điều hoà tốc độ chuyển hoá của nhiều quá trình bên trong cơ thể bạn. Do đó, thiếu hay thừa iod rõ ràng đều sẽ dẫn đến bất thường chức năng tuyến giáp.

Thiếu iod

Hầu hết động vật, kể cả con người, có khả năng dự trữ iod trong cơ thể tương đối lâu. Lượng dự trữ này giúp cho tuyến giáp vẫn có nguyên liệu sản xuất hormone, dù cho bạn có thể bị ngừng cung cấp thực phẩm chứa iod một thời gian dài. Ở những vùng gần biển, với lượng iod có sẵn từ hải sản, gần như bạn hiếm khi bị thiếu iod. Tuy nhiên nếu sống ở vùng núi cao, sử dụng thực phẩm chủ yếu là thịt và ít khi ăn tôm, cá...bạn có khả năng bị thiếu khoáng chất này. Thời gian đầu, cơ thể còn sử dụng được nguồn iod dự trữ bên trong nhưng đến một lúc nào đó, kho chứa này cạn kiệt, cơ thể sẽ giảm sản xuất hormone giáp. Để bù trừ cho tình trạng này, tuyến giáp phải cố gắng làm việc nhiều hơn với mong muốn tạo được thêm hormone đủ cho nhu cầu của cơ thể, dẫn đến tuyến giáp to ra (gọi là bướu cổ). Việc đáp ứng này cũng chỉ xảy ra trong một thời gian có hạn, nếu như nguồn iod vẫn tiếp tục bị cắt giảm, hormone giáp sẽ thực sự thiếu và lúc đó bạn rơi vào tình trạng suy giáp. Hiện nay, để đảm bảo cho những vùng ít tiếp cận được nguồn iod tự nhiên từ thức ăn, các loại muối bán trên thị trường đều được bổ sung thêm iod với hàm lượng phù hợp, vì vậy khả năng mắc bướu cổ do thiếu iod gần như không còn.

Tuy nhiên, nếu bạn mang thai, cần chú ý tới việc bổ sung đầy đủ iod theo khuyến cáo bởi vì khi thai nhi còn nhỏ, tuyến giáp thai chưa tự hoạt động được, việc phát triển hệ thần kinh của bé phụ thuộc chính yếu vào lượng hormone giáp của bạn truyền qua nhau thai. Khi hormone giáp của bạn đầy đủ, bé sẽ phát triển trí tuệ như thông thường, ngược lại có khả năng gây thiểu năng trí tuệ sau khi sinh ra.


Thừa iod

Khác với thiếu iod, thừa iod có thể gây cả hai tình trạng: cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) và suy giáp (tuyến giáp giảm hoạt động). Như đã đề cập ở trên, iod là nguyên liệu tổng hợp hormone giáp, do đó khi cung cấp quá nhiều iod, cơ thể tăng sản xuất hormone tương ứng, gây bệnh cảnh cường giáp với các biểu hiện như hồi hộp, đánh trống ngực, run tay, đổ mồ hôi, sụt cân hay tiêu chảy. Lượng iod trong muối iod bán trên thị trường có hàm lượng trung bình, chỉ vừa đủ để bổ sung nhu cầu hàng ngày chứ không quá dư để gây cường giáp mà thông thường, hiện tượng nói trên xảy ra do vô tình sử dụng các thuốc chứa iod trên một cơ địa nhạy cảm. Những thuốc mà bác sĩ sẽ cẩn trọng sử dụng vì chứa iod bao gồm thuốc cản quang (dùng trong chụp cắt lớp vi tính) hay amiodarone (một loại thuốc chống loạn nhịp tim). Chiều hướng ngược lại, iod liều cao lại có thể ức chế tuyến giáp sản xuất và giải phóng hormone giáp. Đây là cơ chế bảo vệ của cơ thể khi thu nhận được nồng độ iod vào máu cao, giúp hormone giáp vẫn được sản xuất một cách kiểm soát dù cho nguồn nguyên liệu dư thừa. Tuy nhiên, cơ chế bảo vệ này có thể được kích hoạt không đúng lúc trên một nhà máy tuyến giáp đã giảm hoạt động sẵn (chẳng hạn trong bệnh viêm giáp Hashimoto), khi đó hormone giáp được sản xuất ngày càng ít hơn và bạn sẽ xuất hiện bướu cổ (để bù trừ) hoặc suy giáp như phần trình bày ở trên. Ảnh hưởng thứ hai của việc thừa iod là trên hoạt động giải phóng hormone giáp. Lợi dụng tính chất này, bác sĩ có thể chỉ định iod liều cao nếu bạn bị cường giáp nặng, giúp hormone giáp được giữ lại bên trong tuyến mà không phóng thích ra ngoài, bớt gây tác động có hại trên tim mạch. Tiếp theo, iod cũng có khả năng làm giảm dòng máu tới tuyến giáp và làm tuyến giáp săn chắc hơn, do vậy được ứng dụng khi bạn chuẩn bị được mổ cắt tuyến giáp. Việc dùng iod trước đó theo liều chỉ định của bác sĩ giúp giảm chảy máu trong khi mổ, từ đó phẫu thuật viên có thể tiến hành một cách thuận lợi hơn.

Như vậy, iod mặc dù là một nguyên tố vi lượng có trong cơ thể với hàm lượng tương đối nhỏ nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng không thể thiếu đối với hoạt động của tuyến giáp và cần phải được giữ cân bằng trong một khoảng giới hạn nhất định. Bất kỳ sự rối loạn thiếu hay thừa iod đều dẫn đến bất thường chức năng cũng như hình thái tuyến giáp, từ đó gây hậu quả trên các hệ cơ quan khác.


Tài liệu tham khảo


1. https://www.medicinenet.com/thyroid_and_iodine_-_part_2/views.htm
2. https://saltrevolution.com/does-seasalt-have-iodine/

VNMNONE02200002+v1.4

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
127
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2721
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1390
DỊCH TỄ HỌC VÀ GÁNH NẶNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...

Xem thêm
376