VAI TRÒ CỦA TẬP LUYỆN TRONG ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường típ 2, đang dần nổi lên nhanh chóng thành vấn đề y tế toàn cầu ở cả các quốc gia phát triển lẫn những nước đang phát triển. Bệnh lý này thường gia tăng song hành cùng với lối sống hiện đại, tăng huyết áp, béo phì và rối loạn mỡ máu (lipid máu). Do vậy, mặc dù là bệnh không lây nhiễm (non-communicable disease) nhưng đái tháo đường vẫn được coi như một “bệnh dịch” (epidemic) do tốc độ phát triển nhanh chóng cả về số người mắc, số trường hợp biến chứng và số ca tử vong liên quan đái tháo đường. Căn nguyên của đái tháo đường típ 2 liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, môi trường cũng như lối sống của bạn, chủ yếu là hoạt động thể lực và chế độ dinh dưỡng. Đây cũng chính là hai thành tố đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của việc phòng ngừa hay điều trị đái tháo đường bên cạnh thuốc do bác sĩ kê toa.

   

Hoạt động thể lực được định nghĩa là toàn bộ sự vận động của cơ xương đã được hoạch định từ trước, lặp lại nhiều lần và tiêu thụ năng lượng [1]. Đây là điểm mấu chốt của vấn đề bởi vì tiêu hao năng lượng buộc cơ thể bạn phải sử dụng nhiều đường và mỡ hơn để chuyển hóa, từ đó giúp giảm cân, hạ đường huyết. Một điều thú vị là lợi ích của luyện tập ở bệnh nhân đái tháo đường đã từng được ghi nhận từ thời cổ đại. Aristotle mặc dù chưa đặt tên chính xác bệnh đái tháo đường như hiện nay nhưng cũng đã quan sát thấy rằng các triệu chứng liên quan cải thiện đáng kể sau khi luyện tập. Hiện nay vai trò của hoạt động thể lực đã được ghi nhận rõ ràng với ngày càng nhiều bằng chứng ủng hộ việc đưa tập luyện vào thành một phần bài bản và có hệ thống trong liệu trình điều trị đái tháo đường [2], [3], [4], [5], [6]. Cụ thể hơn, vận động giúp điều hòa đường huyết, cải thiện đề kháng insulin (nghĩa là làm cho hormone insulin trong cơ thể bạn hoạt động hiệu quả hơn) tại nhiều vị trí như cơ, mô mỡ và gan, cải thiện các chỉ số chuyển hóa liên quan đến không chỉ đường mà còn mỡ và đạm, giảm mỡ tạng, hạ huyết áp, hạ mỡ máu, góp phần giảm cân cùng vơi chế độ dinh dưỡng và làm chậm hoặc ít nhiều ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường [7], [8], [9]. Vận động thường xuyên với cường độ thích hợp còn làm cho cơ bắp của bạn dẻo dai, bền bỉ hơn, hệ tim mạch cũng được rèn luyện để tăng sức chịu đựng tốt hơn. Ngoài ra, hoạt động thể lực còn mang lợi lợi ích về mặt sức khỏe tâm thần kinh do giải phóng năng lượng, giúp bạn thư giãn, cải thiện hình ảnh bản thân thông qua việc giảm cân, do vậy giúp bạn tự tin và hạn chế suy nghĩ tiêu cực, lo âu, trầm cảm. Nhiều nghiên cứu cho thấy người trước đây hoàn toàn sống thụ động, tĩnh tại nếu bắt đầu tham gia hoạt động thể lực với cường độ trung bình và thời lượng khoảng 30 phút một ngày thì cũng đủ để phòng ngừa bệnh và biến chứng, không chỉ liên quan đái tháo đường mà còn giảm được những vấn đề sức khỏe mạn tính khác chẳng hạn như bệnh mạch vành, đột quỵ và ung thư đại tràng [10]. Các công trình này chỉ ra vận động làm giảm khả năng tử vong ở người bệnh đái tháo đường típ 1 lẫn đái tháo đường típ 2 [11], [12].

   

Ở nhiều nước Âu Mỹ, khi đi khám đái tháo đường, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định hoạt động thể lực tương đương như một phương thuốc trong toa. Tại Việt Nam, đa phần bạn nhận được lời khuyên vận động thể lực trong quá trình tái khám, theo dõi bệnh. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan cản trở thực hành vận động một cách hiệu quả, ví dụ như bác sĩ không đủ thời gian hướng dẫn chi tiết cho người bệnh, không đánh giá cao hình thức này bằng việc dùng thuốc hay trở ngại từ phía người bệnh là tâm lý lười vận động, bận rộn, không có kế hoạch luyện tập chi tiết hoặc không cảm thấy an toàn khi tập luyện dẫn đến dễ chán nản và mau chóng từ bỏ sau một thời gian ngắn. Đây là thực tế đang diễn ra, mọi người đều có thể nhìn thấy rõ ràng không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia phát triển khác. Điều quan trọng để cải thiện tình trạng nói trên là bạn cần thảo luận với bác sĩ để tìm ra hình thức luyện tập phù hợp cho chính mình. Hội Tim mạch châu Âu (European Society of Cardiology – ESC) trong khuyến cáo mới nhất năm 2020 đã đưa ra lời khuyên phù hợp cho người bệnh đái tháo đường là nên tập các môn aerobic (hay thường được biết đến với tên gọi tập cardio) như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi, nhảy dây, chạy trên máy chạy bộ…với cường độ trung bình-nặng ít nhất 30 phút mỗi ngày, lặp lại 5-7 ngày một tuần kèm theo tập các bài tập có kháng lực bằng dụng cụ chuyên dụng trong phòng gym hay nâng tạ, thể hình ít nhất 3 lần mỗi tuần. Tuy nhiên vẫn cần chú ý chọn hình thức luyện tập phù hợp khả năng bản thân bởi vì đa phần chúng ta không phải là vận động viên chuyên nghiệp [13].

   

Trước khi tập luyện. Một chương trình tập luyện tốt là chương trình được thiết kế sao cho phù hợp với năng lực từng cá nhân cụ thể mà vẫn đảm bảo được mục tiêu đề ra. Nguyên tắc cơ bản khi chọn lựa bài tập là dựa trên cường độ, thời gian và tần suất tập. Cụ thể trong trường hợp này, biến chứng đái tháo đường là yếu tố quan trọng cần được xem xét, cân nhắc trong quá trình chọn lựa môn thể thao cho bạn. Ví dụ, nếu bạn mắc bệnh tim mạch thì chỉ nên vận động vừa sức, đồng thời nên theo dõi huyết áp, tần số tim và triệu chứng đau ngực, khó thở trước và sau khi tập. Khi bạn không rõ khả năng tối đa mà mình có thể tập luyện, bác sĩ có thể chỉ định một số nghiệm pháp gắng sức để đánh giá chức năng hệ tim mạch của bạn. Nếu bị biến chứng bệnh đồng mạch ngoại biên do đái tháo đường hay nói cách khác là mạch máu bị hẹp do xơ vữa làm cho máu nuôi chân không đầy đủ, việc vận động nên được điều chỉnh theo triệu chứng mà bạn cảm nhận bởi vì đôi khi hoạt động lâu làm máu xuống chân thiếu, dẫn đến triệu chứng mỏi, đau cơ rõ rệt [14]. Khi bạn bị biến chứng thần kinh đái tháo đường gây rối loạn cảm giác ở chân hay nặng hơn nữa là mất cảm giác hoàn toàn, bạn nên tránh tập những môn sử dụng chân chủ lực ví dụ đi bộ, chạy bộ bởi vì nguy cơ chấn thương hay gặp vết thương chân lúc này khá cao. Một số môn thể thao thay thế phù hợp trong tình huống này là bơi lội, đạp xe hay tập gym với những động tác nhẹ nhàng, chú trọng vùng tay và thân người. Trong khi đó, người mắc biến chứng võng mạc do đái tháo đường thường được khuyên hạn chế tập các môn vận động mà khi tập bạn phải hít thở sâu nặng như cử tạ vì có thể gây áp lực lên nhãn cầu hoặc những môn như đấm bốc vì tăng nguy cơ chấn thương vùng mắt, xuất huyết võng mạc [15], [16], [17]. Nếu bạn bị bệnh thận mạn do đái tháo đường, biểu hiện bởi sự tổn thương mạch máu nhỏ ở thận, làm cho đạm trong máu thoát ra ngoài nước tiểu, cần chú ý cường độ luyện tập vì khi vận động quá nặng, đạm nước tiểu có thể tăng lên. Một biến chứng khác là liệt dạ dày do dây thần kinh chi phối bị tổn thương bởi đường huyết cao, lúc này bạn không bị giới hạn môn tập nhưng cần chú ý rằng khi dạ dày hoạt động không đồng bộ, quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn có thể không diễn ra đúng với tốc độ thông thường, dẫn đến đường huyết của bạn có khi quá cao, có khi quá thấp, không an toàn khi đang luyện tập cường độ cao [18]. Bên cạnh đó, nếu bạn bị tăng huyết áp thì cần xem bác sĩ có kê đơn nhóm thuốc ức chế beta cho mình không. Đây là thuốc làm giảm huyết áp và bảo vệ tim mạch cho bạn rất tốt nhưng hãy chú ý đôi chút vì chúng có thể che giấu triệu chứng của hạ đường huyết, làm cho bạn không nhận ra mình đang bị hạ đường trong khi tập luyện. Nhằm giảm thiểu sự thiếu an toàn trong khi luyện tập kể trên, thông thường bạn nên trao đổi trước với bác sĩ về dự định hoạt động thể lực để được đánh giá toàn diện khả năng sức khỏe và hướng dẫn cụ thể trước khi bắt đầu tiến hành.

   

Trong khi tập luyện. Môi trường trong khi tập luyện cũng rất quan trọng. Nếu bạn bị đổ mồ hôi quá nhiều mà không bù nước đầy đủ, bạn có thể bị mất nước, đường huyết tăng cao và dẫn đến biến chứng cấp tính của đái tháo đường là tăng áp lực thẩm thấu máu, nếu nặng có khả năng gây hôn mê. Vì vậy, bạn được khuyên tạm ngưng vận động hay hoạt động thể lực khi đang mắc các bệnh cấp tính khác như cảm, cúm, nhiễm trùng gây sốt vì có thể làm nặng thêm tình trạng mất nước. Nên chọn không gian và thời gian tập hay chơi thể thao phù hợp, có thể không cần phải tập dưới điều kiện máy lạnh nhưng không được để nhiệt độ phòng quá nóng và nên tránh thời điểm xoay quanh buổi trưa lúc nhiệt độ không khí lên cao. Một yếu tố quan trọng không kém là lựa chọn trang phục thể thao phù hợp, đặc biệt là giày bởi vì bệnh nhân đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng chân hơn so với bình thường do các biến chứng thần kinh, mạch máu ngoại biên. Chú ý về sự thay đổi mức đường huyết của bạn liên quan đến chế độ vận động. Điều này đóng vai trò rất quan trọng bởi vì quá trình sử dụng cơ bắp tiêu thụ đường nhiều hơn, có thể làm cho đường huyết hạ thấp tới ngưỡng nguy hiểm, đặc biệt nếu bạn đang được điều trị đái tháo đường với insulin hay thuốc thuộc nhóm sulfonylurea như gliclazide, glibenclamide hay glimepiride. Khi vận động nặng, hiệu ứng tăng hấp thu đường vào cơ có thể kéo dài đến tận 48 giờ sau khi tập. Do vậy, ngoài huyết áp và tần số tim thì theo dõi đường huyết quanh thời điểm tập luyện cũng khá quan trọng, không những phát hiện đường huyết cao do mất nước mà còn cả đường huyết thấp do vận động quá mức [18], [19]. Bạn không được bỏ bữa ăn trước khi vận động và nên dự phòng sẵn một ít đò ngọt như bánh kẹo, nước ngọt mang theo bên mình khi tập luyện để xử trí tình huống hạ đường huyết. Luôn nhớ lắng nghe cơ thể mình để kịp thời nhận diện những triệu chứng báo động rằng bạn đang quá sức, ví dụ như mệt, ngất, khó thở hay đau ngực.

   

Trên đây là những lợi ích đã được chứng minh rõ ràng của hoạt động thể lực trong điều trị đái tháo đường, đồng thời liệt kê một số lưu ý cơ bản cho bạn trước và trong khi luyện tập nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thể lực mà vẫn đảm bảo an toàn cho chính mình.

Tài liệu tham khảo

  1.  Sofia Zyga, Paul Sarafis (2009). The role of exercise and nutrition in type II diabetes mellitus management. Health Science Journal. 3(4):216-221.
  2.  Lecomte P, Romon I, et al (2008). Self-monitoring of blood glucose in people with type 1 and type 2 diabetes living in France: the Entred study 2001. Diabetes Metab, 34(3):219-226.
  3.  De Feo P, Di Loreto C, et al (2006). Exercise and diabetes. Acta Biomed, 77(Suppl 1):14-17.
  4.  Sato Y, Nagasaki M, et al (2007). Clinical aspects of physical exercise for diabetes/metabolic syndrome. Diabetes Res ClinPract, 77(Suppl 1):S87-S91.
  5.  Colberg SR (2007). Physical activity, insulin action, and diabetes prevention and control. Curr Diabetes Rev, 3(3):176-184.
  6.  Sato Y, Nagasaki M, et al (2003). Physical exercise improves glucose metabolism in lifestyle-related diseases. ŒïxpBiol Med, 228(10):1208-1212.
  7.  Thomas DE, Elliott EJ, et al (2006). Exercise for type 2 diabetes mellitus. Cochrane Database Syst Rev, CD002968.
  8.  Zhang X, Devlin HM, et al (2017). Effect of lifestyle interventions on cardiovascular risk factors among adults without impaired glucose tolerance or diabetes: a systematic review and meta-analysis. PLoS One, 12:e0176436.
  9.  Cosentino F, Grant PJ, et al (2020). 2019 ESC Guidelines on diabetes, prediabetes, and cardiovascular diseases developed in collaboration with the EASD. Eur Heart J, 41:255323.
  10.  LaMonte M, Blair St, et al (2005). Physical activity and diabetes prevention. J Appl Physiol, 99:1205-1213.
  11.  Sluik D, Buijsse B, et al (2012). Physical activity and mortality in individuals with diabetes mellitus: a prospective study and meta-analysis. Arch Intern Med, 172:12851295.
  12.  https://dlife.com/exercise-diabetes-control/
  13.  Antonio Pelliccia, Sanjay Sharma, et al (2020). 2020 ESC Guidelines on sports cardiology and exercise in patients with cardiovascular disease: The Task Force on sports cardiology and exercise in patients with cardiovascular disease of the European Society of Cardiology (ESC). European Heart Journal, ehaa605.
  14.  http://www.advocatehealth.com/system/info/library/sam/040801.html.
  15.  Pendergrass M, Lynch CC, et al (2004). Exercise and diabetes. The University of Louisiana at Monroe School of Pharmacy Diabetes Series. P6.
  16.  http://rehabworks.ksc.nasa.gov /education/topics/valsalva.php.
  17.  http:// www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001212.htm
  18.  http://www.diabetes.org/type-2-diabetes/Gastroparesis.jsp
  19.  https://dlife.com/everything-you-need-to-know-about-exercise-and-diabetes/

VN_GM_DIA_76

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
127
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2721
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1390
DỊCH TỄ HỌC VÀ GÁNH NẶNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...

Xem thêm
376