Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Trong quá trình điều trị đái tháo đường, việc theo dõi giá trị đường huyết để thay đổi chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực cũng như phác đồ điều trị sao cho phù hợp là điều khá cần thiết, giúp bạn đạt được mục tiêu mà bác sĩ đề ra. Tuy nhiên, việc tiến hành lấy máu đo tại bệnh viện hoặc phòng mạch vào mỗi lần bạn tái khám chỉ cung cấp một vài trị số đường huyết tại ngay tại những thời điểm đó mà chưa hoàn toàn phản ánh được sự biến động của mức đường trong máu bạn tại nhà suốt một khoảng thời gian dài, bao gồm cả một số tình huống đặc biệt như sau khi vận động hay khi bạn bị ốm. Như vậy, tự theo dõi đường huyết đóng vai trò quan trọng, tích cực trong quá trình kiểm soát đái tháo đường và là một hành động tương đối đơn giản mà bạn có thể thực hiện tại nhà sau khi được nhân viên y tế chỉ dẫn thao tác đúng cách.
Những trở ngại ban đầu của việc tự theo dõi đường huyết thường đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như nỗi lo lắng việc phải mang theo dụng cụ mọi lúc mọi nơi gây bất tiện, cho rằng quá trình thao tác phức tạp, khó hiểu, sợ đâm kim lấy máu gây đau hay e ngại kết quả ra không như mong đợi có thể gây hoang mang và làm cho bác sĩ không hài lòng. Tuy nhiên, hiện tại các thiết bị đo đường huyết đều tương đối gọn nhẹ, kim lấy máu nhỏ, ngắn, ít đau, tạo thuận lợi cho bạn trong quá trình sử dụng tại nhà và mang theo đến công sở. Một số máy thử hiện nay còn cho phép bạn kết nối với điện thoại thông minh, giúp ghi nhận toàn bộ dữ liệu về quá trình đo đường huyết để bác sĩ có thể trích xuất dữ liệu và xem lại dễ dàng. Mặt khác, khi hiểu rõ được một số lợi ích sau đây, bạn có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi tuân thủ việc tự đo đường huyết tại nhà, chẳng hạn như (1) theo dõi được hiệu quả của các biện pháp điều trị như tiết chế dinh dưỡng, hoạt động thể lực và thuốc đối với khả năng kiểm soát đường huyết, (2) nhanh chóng nhận diện để kịp thời xử trí những biến cố không mong muốn như hạ hay tăng đường huyết quá mức và (3) tăng cường tính tự tin, tự chủ động kiểm soát bệnh của bản thân. Bác sĩ sẽ rất hài lòng nếu bạn có một bảng biểu ghi lại các giá trị đường huyết tại nhà trong khoảng thời gian vài tuần vì điều này giúp họ có cái nhìn tổng quan hơn về diễn tiến bệnh của bạn, từ đó đưa ra được sự thay đổi trị liệu phù hợp theo từng giai đoạn.
Trước khi tiến hành tự theo dõi đường huyết tại nhà, bạn sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn một số vấn đề như kỹ thuật lấy máu, cách sử dụng máy đo, thời điểm và tần suất thử, mục tiêu đường huyết tuỳ mỗi cá nhân, cách diễn giải các giá trị đường huyết và xử trí kết quả bất thường (nếu có). Tần suất và thời gian thử được quyết định bởi phương thức điều trị mà bạn đang áp dụng, nguy cơ hạ đường huyết và mức độ kiểm soát chặt chẽ cần đạt. Thí dụ, nếu bạn đang được chỉ định tiêm insulin dưới da bốn mũi/ngày hay dùng bơm insulin liên tục, bạn nên thử đường huyết ít nhất bốn lần tương ứng, bao gồm ba lần trước ba bữa ăn chính và một lần trước khi đi ngủ. Một số trường hợp khó kiểm soát hơn, bạn có thể được bác sĩ khuyên thử thêm đường huyết sau ăn 2 giờ, theo sau các bữa sáng, trưa, chiều. Nếu bạn dùng insulin nền tiêm dưới da một mũi/ngày kèm thuốc viên, có thể bạn chỉ cần thử đường huyết một ngày/lần nhưng luân phiên xen kẽ nhiều thời điểm, chẳng hạn hôm nay thử đường huyết đói, ngày mai thử đường huyết sau ăn sáng, ngày kế tiếp thử trước ăn trưa… Ngoài các thời điểm cố định nêu trên, bất cứ khi nào bạn có triệu chứng hạ đường huyết như run tay, đánh trống ngực, vã mồ hôi, chóng mặt hoặc khi bạn đang trong một đợt ốm, hãy thử đường huyết ngay lúc cơ thể cảm thấy không khoẻ và báo ngay cho bác sĩ nếu cảm thấy không đủ ổn và khó xử trí. Bên cạnh đó, một số tình huống mà bác sĩ có thể đề nghị bạn theo dõi đường huyết thường xuyên hơn là khi mới được chẩn đoán đái tháo đường, mới thay đổi phương pháp điều trị (bao gồm đổi loại hoặc chỉnh liều thuốc), có kế hoạch mang thai hay vừa bắt đầu có thai và vẫn chưa đạt mục tiêu đường huyết như mong đợi sau một khoảng thời gian điều trị.
Để đảm bảo tính chính xác và tin cậy của các kết quả đo, bạn cần chú ý tới một số yếu tố như hạn sử dụng của que thử, điều kiện bảo quản máy và que, cũng như thỉnh thoảng nhờ bác sĩ kiểm tra lại máy xem có vấn đề nào phát sinh hay không. Bạn cũng cần chú ý rửa tay sạch trước khi thử và giữ cho các thao tác được vệ sinh để tránh gây nhiễm trùng ở vùng đâm kim. Ngoài ra, dù tự thử đường huyết ở nhà đều đặn và ngay cả khi tất cả trị số đều nằm trong mục tiêu đề ra, bạn vẫn đừng quên tái khám đầy đủ theo lịch hẹn. Điều này giúp bác sĩ căn cứ vào những giá trị đường huyết bạn tự đo ở nhà để đưa ra phương án điều trị tiếp theo sao cho phù hợp, đồng thời định kỳ tầm soát biến chứng đái tháo đường nhằm phát hiện sớm và điều trị biến chứng nếu có.
Như vậy, tự theo dõi đường huyết tại nhà là một biện pháp để quản lý đái tháo đường, trong đó nhấn mạnh vai trò và sự độc lập của bạn trong việc đồng hành cùng bác sĩ nhằm giúp đạt hiệu quả tối ưu. Đừng ngại ngùng trao đổi và thảo luận với bác sĩ về vấn đề này nếu bạn chưa thực sự quen với nó.
Tài liệu tham khảo
VNM/NONE/0420/0003
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.
Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...