Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Hội chứng chuyển hóa với các thành tố như béo bụng, tăng đường huyết, tăng huyết áp, tăng triglyceride và giảm high-density lipoprotein-cholesterol đã được chứng minh có liên quan đến tăng hoạt tính giao cảm. Trung tâm của hội chứng này là đề kháng insulin. Ngược với một số bằng chứng cho thấy hội chứng chuyển hóa là nguyên nhân gây cường giao cảm, cũng có dữ liệu ghi nhận cường giao cảm đưa đến các tác động bất lợi về mặt chuyển hóa. Một số cơ chế sau đây thể hiện hậu quả của cường giao cảm trên con đường dẫn tới hội chứng chuyển hóa (Hình 1) [1].
Hình 1: Một số cơ quan chịu tác động bất lợi về chuyển hóa do cường giao cảm [1]
Tăng huyết áp. Sự kích hoạt cường giao cảm, đặc biệt ở thận, là một đặc điểm thường thấy trên bệnh nhân béo phì. Một phần hiện tượng kích hoạt này được cho là do sự tích tụ mô mỡ quanh thận trong béo phì gây chèn ép lên mô thận. Tăng giao cảm dẫn đến tăng tần số tim và cung lượng tim, từ đó gây tăng huyết áp. Ngoài ra, sự kích hoạt giao cảm thận còn hoạt hóa hệ renin-angiotensin-aldosterone để tăng giữ muối, nước, góp phần quan trọng để đẩy huyết áp lên cao [2]. Vì vậy, cường giao cảm, đặc biệt là giao cảm thận, đóng vai trò quan trọng trong sinh lý bệnh của tăng huyết áp ở người béo phì [3, 4]. Mặc dù vậy, hiện tượng nói trên còn được quan sát thấy ở người béo phì với huyết áp bình thường. Điều này thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu với mong muốn tìm hiểu thêm những biến đổi bệnh lý giai đoạn rất sớm trước khi huyết áp tăng nhằm phát triển những phương pháp can thiệp trong tương lai [5]. Để khẳng định lại giả thiết về vai trò của cường giao cảm trong việc gây tăng huyết áp, một nghiên cứu tiến hành hủy giao cảm thận ở các bệnh nhân tăng huyết áp kháng trị không đáp ứng thuốc. Kết quả ghi nhận, không những huyết áp giảm đáng kể sau 1-3 tháng mà nhóm hủy giao cảm thận còn cải thiện có ý nghĩa đường huyết đói, insulin, C-peptide và chỉ số HOMA, cũng như đường huyết 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose. Trong khi đó, không quan sát thấy sự thay đổi nào về huyết áp và các chỉ dấu chuyển hóa so với mốc ban đầu ở nhóm chứng.
Đề kháng insulin. Mối quan hệ giữa đề kháng insulin và cường giao cảm khá phức tạp. Tăng nồng độ insulin tuần hoàn có thể kích hoạt hệ giao cảm khu trú. Tuy nhiên, dựa trên quan sát thấy sự co mạch qua trung gian giao cảm có thể đối kháng lại tác động của insulin trên sự thu nhận đường huyết vào mô cơ bằng cách làm giảm dòng máu tới cơ, một số quan điểm cho rằng tăng insulin máu có thể là hậu quả của cường giao cảm hơn là nguyên nhân [7]. Nhiều nghiên cứu tìm ra sự liên hệ giữa mức độ hoạt hóa thần kinh giao cảm và mức độ giảm lưu lượng máu động mạch cẳng tay ở phụ nữ béo phì lẫn người khỏe mạnh [8, 9]. Như vậy, có thể tóm lại rằng giảm nhạy cảm insulin trong tình huống này là do cường giao cảm gây co mạch, làm giảm lưu lượng tới cơ và do đó giảm hấp thu glucose vào mô cơ.
Tăng đường huyết. Khác với giao cảm thận và giao cảm tim là hai nhánh chi phối thường được đề cập, không có nhiều dữ liệu về chi phối giao cảm gan. Tuy nhiên, một trong các nghiên cứu vẫn cho thấy kích thích thần kinh giao cảm tại gan gây ức chế hấp thu glucose vào gan và gây tăng đường huyết. Ngược lại, hủy giao cảm gan dẫn đến tăng hấp thu glucose vào gan để đáp ứng với tình trạng tăng đường huyết [10]. Kết quả này cho thấy tác động vào cung lượng giao cảm gan có thể mang lại lợi ích lâm sàng cho bệnh nhân tiền đái tháo đường và đái tháo đường típ 2, những đối tượng thường biểu hiện đề kháng insulin tại gan.
Tổn thương cơ quan. Ngoài các ảnh hưởng về mặt chuyển hóa, kích hoạt thần kinh giao cảm kéo dài còn thúc đẩy sự xuất hiện và tiến triển của tổn thương cơ quan đích. Trong đó, những vị trí quan trọng bị ảnh hưởng là tim, thận và mạch máu (Hình 3) [11]. Cụ thể, người thừa cân-béo phì có xung thần kinh giao cảm cơ (muscle sympathetic nerve activity – MSNA) cao hơn người gầy, và đồng thời có độ thanh thải creatinin cao hơn (chứng tỏ chức năng thận kém hơn), khối lượng cơ thất trái cao hơn (chứng tỏ đang có hiện tượng tái cấu trúc thất trái, một bước trong tiến trình dẫn đến suy tim) và chức năng nội mô kém hơn. Bên cạnh là yếu tố nguy cơ của giảm độ lọc cầu thận ước tính (estimated glomerular filtration rate – eGFR), cường giao cảm do béo phì còn làm tăng nguy cơ xuất hiện đạm niệu, kể cả ở người không tăng huyết áp và không đái tháo đường [12]. Dày thất trái và rối loạn chức năng tâm trương có thể xảy ra cả ở người không có tăng huyết áp mà tương quan với nồng độ triglyceride và đường huyết [13]. Quan trọng là, các thay đổi cấu trúc ở tim đã bắt đầu xảy ra ở người trẻ [11, 14]. Những hậu quả bất lợi này đều được chứng minh là do cường hoạt tính giao cảm tim [15-17].
Tóm lại, cường giao cảm là nguyên nhân đưa đến nhiều bất lợi về mặt chuyển hóa và là yếu tố độc lập dẫn đến thành tố của hội chứng chuyển hóa như tăng huyết áp, tăng đường huyết hay rối loạn lipid máu. Điều này mở ra triển vọng về điều trị ức chế giao cảm nhằm cải thiện các rối loạn chuyển hóa.
Tài liệu tham khảo.
VN_GM_CV_198;exp:27/12/2023
Nguồn: https://01minh.com/tim-mach/cuong-giao-cam-nguyen-nhan-cua-hoi-chung-chuyen-hoa.html
Bài viết liên quan
Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.
Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.
Hệ thần kinh giao cảm có thể gây hàng loạt tác động tim mạch, bao gồm tăng tần số tim và tăng sức co bóp cơ tim. Ngược lại, hệ thần kinh phó giao cảm làm giảm tần số tim