NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐƠN GIẢN ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ KIỂM SOÁT NHỊP TIM

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

 

Kiểm soát nhịp tim

Tim là cơ quan hình thành sớm nhất trong thời kỳ phôi thai. Cùng với sự tạo thành tim, chức năng co bóp cơ tim và sự xuất hiện nhịp tim thai đánh dấu sự sống hình thành. Vì vậy, có thể nói rằng nhịp đập của trái tim là một trong những chức năng ổn định và quan trọng nhất mà cơ thể kiểm soát ở trạng thái tự động. Nhịp tim ổn định là cơ sở của sự sống và do đó kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim. 

 

Nhịp tim thay đổi như thế nào

Tần số nhịp tim bình thường khi nghỉ ngơi của người lớn dao động từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Nhìn chung, nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp có nghĩa là chức năng tim hoạt động hiệu quả hơn và sức khoẻ tim mạch của bạn tốt hơn. Ví dụ, các vận động viên luyện tập tốt có thể có nhịp tim khi nghỉ ngơi khoảng 40 nhịp một phút. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhịp tim như: 

  • Tuổi;
  • Mức độ hoạt động cơ thể hằng ngày;
  • nhiệt độ cơ thể;
  • Khi thay đổi tư thế như nằm hoặc đứng;
  • Trọng lượng và chiều cao;
  • Các bệnh lý đi kèm như bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường;
  • Các thuốc đang sử dụng...

Công thức đơn giản để ước tính nhịp tim tối đa theo tuổi là: 220 - tuổi của bạn. Ví dụ: đối với một người 50 tuổi, nhịp tim tối đa ước tính theo tuổi là 220 - 50 tuổi = 170 nhịp mỗi phút. 
Bên cạnh đó, nhịp tim thường thay đổi theo mức độ vận động cơ thể như chạy bộ. Nếu chạy bộ mức độ nhẹ đến trung bình, nhịp tim mục tiêu thường nằm trong khoảng từ 64% đến 76% của nhịp tim tối đa theo tuổi. Dựa theo ví dụ trên, nhịp tim mục tiêu khi chạy bộ từ nhẹ đến trung bình là: 109 đến 129 nhịp mỗi phút (64%: 170 x 0,64 = 109 nhịp và 76%: 170 x 0,76 = 129 nhịp). 

Với hoạt động gắng sức nhiều như chạy bộ cường độ nặng, nhịp tim nên dao động trong khoảng từ 77% đến 93% của nhịp tim tối đa theo tuổi. Ví dụ với một người 30 tuổi thì nhịp tim tối đa theo tuổi là: 220 - 30 tuổi = 190 nhịp mỗi phút. Nhịp tim tối đa khi chạy bộ của người này là từ 146 - 177 nhịp mỗi phút. (77%: 190 x 0,77 = 146 nhịp và 93%: 190 x 0,93 = 177 nhịp). 

 

Cách kiểm soát nhịp tim

Trước tiên hãy dựa vào phương pháp bên trên để ước tính nhịp tim tối đa theo tuổi và nhịp tim mục tiêu phù hợp với với mình. Khi tham gia các hoạt động thể chất, hãy kiểm tra nhịp tim định kỳ để đảm bảo nhịp tim của bạn ở khoảng an toàn. Trên thị trường có rất nhiều thiết bị thông minh như đồng hồ đeo tay có thể giúp bạn kiểm tra nhịp tim của mình nhưng nếu không có thì bạn hoàn toàn có thể kiểm tra theo cách thủ công như sau:

  • Dùng đầu ngón trỏ và ngón giữa của tay phải và bắt mạch ở vị trí cổ tay trái ở phía ngón tay cái.
  • Đếm nhịp đập của mạch trong 30 giây và nhân với 2 để được nhịp tim mỗi phút.

Nếu nhịp tim của bạn ở ngoài mức an toàn, hãy tạm nghỉ và làm chậm nhịp tim của bạn lại. 
Ngoài ra, theo dõi nhịp tim lúc nghỉ ngơi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gợi ý các bệnh lý tim mạch và các bệnh lý khác ảnh hưởng đến nhịp tim của bạn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy nếu nhịp tim lúc nghỉ tăng cao sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch vành, đột tử do tim, suy tim, rung nhĩ, đột quỵ, ung thư và tử vong do mọi nguyên nhân.

Lưu ý: Một số loại thuốc điều trị tim mạch có thể ảnh hưởng đến nhịp tim để giữ nhịp tim tối đa và nhịp tim mục tiêu ở mức thấp hơn bình thường. Nếu bạn có bệnh lý tim mạch và đang dùng thuốc các thuốc này, hãy tham vấn thêm với bác sĩ về nhịp tim tối ưu của bạn. 

 

Tổng kết

Tần số tim bình thường khi nghỉ ngơi của người lớn dao động từ 60 đến 100 nhịp mỗi phút. Nhịp tim tối đa mỗi người sẽ thay đổi tuỳ theo độ tuổi, mức độ hoạt động cơ thể và các yếu tố khác. Nhịp tim tối đa ở người cao tuổi sẽ thấp hơn ở người trẻ. Bên cạnh đó, nhịp tim lúc vận động cũng thay đổi theo tuổi và theo cường độ vận động. Do đó, việc biết cách tính khoảng nhịp tim an toàn cho bản thân và theo dõi nhịp tim thường xuyên giúp nhận biết sớm, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý tim mạch nói riêng và nguy cơ tử vong nói chung. Cần lưu ý rằng ở những bệnh nhân đã có bệnh lý tim mạch và đang dùng các thuốc điều trị, nhịp tim tối đa và khoảng nhịp tim an toàn có thể thay đổi do thuốc, cần tham vấn bác sĩ điều trị về mục tiêu nhịp tim khi nghỉ và khi vận động. 

 

Nguồn tham khảo

1. A Guardian of the Heartbeat
https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMcibr1705327

2. Resting heart rate and the risk of cardiovascular disease, total cancer, and all-cause mortality - A systematic review and dose-response meta-analysis of prospective studies
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28552551/

3. What's a normal resting heart rate?
https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/fitness/expert-answers/heart-rate/faq-20057979#:~:text=A%20normal%20resting%20heart%20rate%20for%20adults%20ranges%20from%2060,to%2040%20beats%20per%20minute

4. Target Heart Rate and Estimated Maximum Heart Rate
https://www.cdc.gov/physicalactivity/basics/measuring/heartrate.htm

5. Target Heart Rates Chart
https://www.heart.org/en/healthy-living/fitness/fitness-basics/target-heart-rates

6. How Heart Rate Should Be Controlled in Patients with Atherosclerosis and Heart Failure
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30225613

 

VN_GM_CV_212; EXP: 31/05/2024

Bài viết liên quan

NGUY CƠ TRẺ HÓA Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.

Xem thêm
294
CHẾ ĐỘ LUYỆN TẬP VÀ ĂN UỐNG Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.

Xem thêm
222
CƯỜNG GIAO CẢM – NGUYÊN NHÂN CỦA HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA

Hội chứng chuyển hóa với các thành tố như béo bụng, tăng đường huyết, tăng huyết áp đã được chứng minh có liên quan đến tăng hoạt tính giao cảm.

Xem thêm
2026
HỆ THẦN KINH GIAO CẢM VÀ MỐI LIÊN QUAN VỚI SUY TIM

Hệ thần kinh giao cảm có thể gây hàng loạt tác động tim mạch, bao gồm tăng tần số tim và tăng sức co bóp cơ tim. Ngược lại, hệ thần kinh phó giao cảm làm giảm tần số tim

Xem thêm
100