CÁCH TỰ NHẬN BIẾT NGUY CƠ ĐỘT QUỴ

Tất cả chúng ta đều có khả năng bị đột quỵ, chỉ có điều nguy cơ cao hay thấp khác nhau tùy người và tùy từng giai đoạn cuộc đời. Do đó, việc nhận biết nguy cơ đột quỵ được xem là điều cần thiết để có kế hoạch xử trí, can thiệp thích hợp với nỗ lực làm giảm nguy cơ này xuống mức thấp nhất có thể.

Những bệnh lý hay tình trạng làm tăng khả năng đột quỵ của bạn so với dân số chung được gọi là yếu tố nguy cơ. Càng nhiều yếu tố thì xác suất bạn bị đột quỵ trong tương lai càng cao. Nhìn chung có hai nhóm nguy cơ: không thay đổi được và thay đổi được, theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ (American Stroke Association) [1].

Với yếu tố nguy cơ không thay đổi được, bạn gần như không thể làm gì để kiểm soát bởi vì chúng luôn hiện hữu ít nhiều. Tuy nhiên, việc biết về sự tồn tại của chúng giúp bạn có thái độ tích cực hơn đối với việc kiểm soát những bệnh lý đồng mắc khác. Các yếu tố không thay đổi được này bao gồm:

Các yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ không thay đổi được

Tuổi tác

Chúng ta đều biết càng lớn tuổi, nguy cơ mắc nhiều bệnh lý liên quan đến lão hóa và khả năng xảy ra biến cố tim mạch, trong đó có đột quỵ, càng cao. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc đột quỵ không thể xảy ra ở người trẻ. Ngay cả một số ít trẻ em, trẻ sơ sinh cũng có thể bị đột quỵ do dị dạng mạch máu não bẩm sinh.

Bởi tình trạng dịch chuyển lối sống theo hướng công nghiệp, hiện đại, độ tuổi khởi phát đột quỵ tại Việt Nam cũng ngày càng trẻ hóa dần với nhiều trường hợp được ghi nhận chỉ xoay quanh độ tuổi 40. Như vậy, lớn tuổi là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ nhưng đột quỵ vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Giới tính

Số lượng phụ nữ mắc đột quỵ cao hơn nam giới một chút hoặc đôi khi ngang bằng, tùy nghiên cứu. Tuy nhiên, khi đã mắc đột quỵ, nữ giới có khả năng rơi vào tình trạng nặng hoặc tử vong cao hơn, thường bởi lý do độ tuổi khởi phát muộn, đã kèm nhiều bệnh nền phối hợp. Một số đặc điểm càng làm tăng thêm nguy cơ mắc đột quỵ mà chỉ gặp riêng ở nữ giới là tiền sử mang thai, bị tiền sản giật, sản giật hay đái tháo đường thai kỳ, sử dụng thuốc tránh thai uống chứa estrogen và điều trị thay thế hormone sau mãn kinh.

Tiền sử gia đình đột quỵ

Nếu ông bà, bố mẹ hay anh chị em ruột của bạn từng được chẩn đoán đột quỵ, đặc biệt khi trước 65 tuổi, bạn cũng tăng nguy cơ mắc đột quỵ. Điều này có thể do yếu tố di truyền hoặc một số hành vi liên quan lối sống cùng gặp phải trong một gia đình sống chung.

Tiền sử đột quỵ hay nhồi máu cơ tim

Nếu bạn từng bị đột quỵ trước đây, dù là dạng nhồi máu, xuất huyết não hay cơn thoáng thiếu máu não, bạn đều có khả năng tái phát trong tương lai. Ngay cả nhồi máu cơ tim cũng là một chỉ dấu của nguy cơ đột quỵ bởi vì chúng có cơ chế gần tương tự, đó là sự tích tụ của mảng xơ vữa động mạch với nguy cơ tạo huyết khối gây tắc nghẽn, chỉ khác về vị trí cơ quan chịu ảnh hưởng là tim hay não.

Các yếu tố dẫn đến nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi được

Tăng huyết áp

Ngoài việc huyết áp cao có thể làm vỡ mạch máu gây xuất huyết não, tăng huyết áp lâu ngày còn gây thay đổi hệ thống mạch máu toàn cơ thể, trong đó có não, đưa tới khả năng tạo huyết khối cao hơn, do đó cũng là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ thể nhồi máu.

Đái tháo đường

Đái tháo đường là một rối loạn chuyển hóa đường huyết do tuyến tụy của bạn sản xuất không đủ insulin hay các mô ngoại biên như gan, cơ, mỡ không sử dụng được insulin hiệu quả. Bệnh lý này dễ dẫn đến đột quỵ do nhiều cơ chế khác nhau, tuy nhiên điều đáng lo ngại hơn nữa là người bệnh đái tháo đường thường hay đi kèm các bệnh đồng mắc như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì… vốn cũng là những yếu tố nguy cơ đột quỵ điển hình.

Rối loạn lipid máu

Cùng với tăng huyết áp và đái tháo đường, rối loạn lipid máu (đặc biệt là tăng cholesterol “xấu” - LDL-cholesterol hay giảm cholesterol “tốt” - HDL-cholesterol) lập thành bộ ba đặc trưng mang lại nhiều nguy cơ xấu đối với sức khỏe, trong đó có xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Béo phì

Béo phì, đặc biệt là béo vùng bụng, có nhiều tác hại vì làm tăng khả năng bạn mắc tăng huyết áp hay đái tháo đường và từ đó gián tiếp đưa đến nguy cơ đột quỵ cao. Đặc biệt, tỉ lệ béo phì ngày càng gia tăng ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, khả năng cao do lối sống thay đổi theo hướng công nghiệp.

Các nghiên cứu cho thấy với cùng một chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI), người châu Á chúng ta có mức độ rối loạn chuyển hóa và nguy cơ mắc các biến cố tim mạch cao hơn so với người da trắng, do vậy ngưỡng cắt BMI để chẩn doán thừa cân và béo phì dành cho dân số châu Á thấp hơn con số tương ứng của người Âu-Mỹ, nhằm kịp thời đánh động và có thái độ xử trí tích cực từ sớm. 

Bệnh tim mạch

Một số rối loạn các cấu trúc hay hoạt động chức năng của tim hoặc mạch máu làm cho huyết khối dễ hình thành tại những vị trí này và có thể di chuyển theo dòng máu lên não gây tắc nghẽn, tạo nên tình trạng đột quỵ nhồi máu. Một số bệnh tim mạch được cho rằng có liên quan với đột quỵ là bệnh van tim, suy tim, rung nhĩ, bệnh cơ tim giãn nở, một số dị tật tim bẩm sinh, bệnh động mạch cảnh và bệnh động mạch ngoại biên.

Hút thuốc

Nicotine, carbon monoxide hay nhiều hợp chất hóa học có hại khác sinh ra trong quá trình đốt cháy thuốc làm tổn thương mạch máu và là bước đệm để hình thành mảng xơ vữa, huyết khối, dẫn đến đột quỵ.

Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh

Ăn nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, chất béo dạng trans, cholesterol, muối, đồ ngọt hay thực phẩm giàu calo làm tăng khả năng rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì và do vậy tăng nguy cơ đột quỵ. Ngược lại, khẩu phần giàu rau củ, trái cây được xem là lành mạnh, có lợi đối với nhiều bệnh lý mạn tính, trong đó có đột quỵ.

Ít hoạt động thể lực

Cũng giống như chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh, ít vận động làm bạn dễ mắc những bệnh lý mạn tính kể trên hơn, từ đó là trung gian để đưa đến nguy cơ đột quỵ cao.

Ngoài ra, hội chứng ngưng thở khi ngủ, nghiện rượu hay tiêm chích ma túy cũng được xem là các yếu tố nguy cơ thay đổi được của đột quỵ (Hình 2).

Sở dĩ tất cả các yếu tố kể trên nằm ở nhóm thay đổi được là vì mặc dù đã mắc bệnh, bạn vẫn có thể tuân thủ chế độ điều trị, kiểm soát thích hợp theo mục tiêu mà bác sĩ đề ra để giảm nguy cơ xuống mức thấp nhất có thể.

Hình 2: Yếu tố nguy cơ đột quỵ thay đổi được [2]

Bảng đánh giá nguy cơ đột quỵ

Nhằm tổng hợp lại những yếu tố nguy cơ quan trọng để bạn có thể dễ dàng sử dụng một cách nhanh chóng, tiện lợi trong việc tự nhận biết nguy cơ đột quỵ của mình, Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ đã tổng hợp một bảng đánh giá nguy cơ bao gồm các câu hỏi đơn giản, mỗi câu tương ứng 1 điểm cho đáp án mà bạn chọn. Nếu tổng điểm ở cột màu đỏ cao hơn cột màu xanh dương, bạn mang nguy cơ đột quỵ cao và nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn khảo sát thêm hay có xử trí thích đáng (Hình 3). Đây là công cụ phù hợp để tầm soát và đo lường nguy cơ đột quỵ trên diện rộng dân số.

Hình 3: Trắc nghiệm đánh giá nguy cơ đột quỵ [4]

Kết luận

Gần đây, một bài viết về cách kiểm tra nguy cơ đột quỵ bằng thử thách một chân đứng, một chân co và nhắm mắt (one-leg standing test) đang được lan truyền trên mạng xã hội. Người viết cho rằng nếu không thể thực hiện điều này quá 20 giây thì bạn có nguy cơ đột quỵ cao.

Liệu phương pháp này có đáng tin cậy và nên diễn giải thế nào cho đúng? Nghiên cứu gốc này tiến hành ở gần 1400 người Nhật Bản trung niên và lớn tuổi, bài báo được công bố trên tạp chí Stroke đầu năm 2015 [5]. Tác giả chỉ ra rằng việc không đứng được hơn 20 giây trong tư thế nêu trên liên quan đến tổn thương não không triệu chứng do bệnh lý mạch máu nhỏ. Kết quả dựa vào con số thống kê là đúng, tuy nhiên cần thận trọng khi diễn giải.

Đánh giá

Thứ nhất, đây là thay đổi giai đoạn sớm của mạch máu và không hoàn toàn dự đoán chính xác nguy cơ đột quỵ trong tương lai. Do đó, việc thực hiện thành công nghiệm pháp nói trên có thể gây tâm lý chủ quan ở một bộ phận dân số nhất định, làm chậm trễ việc đánh giá, tầm soát các yếu tố nguy cơ khác.

Thứ hai, khả năng giữ thăng bằng của cơ thể được tổng hợp từ nhiều chức năng như sự thăng bằng của hệ tiểu não-tiền đình, thị giác, hệ cơ xương khớp, trọng lượng cơ thể, việc tập luyện làm quen trước đó… Vì vậy, khi bạn không thể đứng một chân ở trạng thái nhắm mắt, có thể bạn chỉ bị rối loạn tiền đình hay thoái hóa khớp, hoặc đơn giản hơn là bạn đang có cân nặng hơi lớn.

Thứ ba, việc thực hiện nghiệm pháp này khi không chuẩn bị tốt môi trường xung quanh có thể dẫn đến té ngã, chấn thương ngoài ý muốn.

Tóm lại, thử thách này không thay thế được bài trắc nghiệm phía trên và các nghiệm pháp đánh giá nguy cơ đột quỵ khách quan và chuyên sâu của bác sĩ tại phòng khám. 

VN_GM_CV_178

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.stroke.org/en/about-stroke/stroke-risk-factors
  2.  https://www.chihealth.com/en/services/neuro/neurological-conditions/stroke/stroke-prevention.html
  3.  AVA Center for Neuro Rehabilitation. 2018
  4.  https://www.stroke.org/-/media/stroke-files/about-stroke/stroke-risk-factors/stroke-risk-quiz-english.pdf?la=en
  5. Yasuharu Tabara, Yoko Okada, et al. Association of Postural Instability With Asymptomatic Cerebrovascular Damage and Cognitive Decline. 2015; 46(1):16-22.

Bài viết liên quan

NGUY CƠ TRẺ HÓA Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.

Xem thêm
294
CHẾ ĐỘ LUYỆN TẬP VÀ ĂN UỐNG Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.

Xem thêm
222
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐƠN GIẢN ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ KIỂM SOÁT NHỊP TIM

Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.

Xem thêm
1213
CƯỜNG GIAO CẢM – NGUYÊN NHÂN CỦA HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA

Hội chứng chuyển hóa với các thành tố như béo bụng, tăng đường huyết, tăng huyết áp đã được chứng minh có liên quan đến tăng hoạt tính giao cảm.

Xem thêm
2026