CHẾ ĐỘ ĂN HỢP LÝ CHO BỆNH NHÂN TIM MẠCH

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Mặc dù nhiều người biết rõ một số thực phẩm được xem là không tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng nhưng việc thay đổi thói quen ăn uống là điều không hề dễ dàng. Điều này phụ thuộc vào cảm giác vị giác đã trở nên quen thuộc trong thời gian dài trước đây. Dù vậy, nếu bạn thực sự quyết tâm thay đổi chế độ ăn một cách lành mạnh, vẫn có những mẹo hỗ trợ bạn đạt được điều đó. Trung tâm Y khoa Mayo Clinic đưa ra một số lời khuyên dành cho bệnh nhân tim mạch để từng bước tiến hành thay đổi chế độ ăn [1].

    Thứ nhất, kiểm soát kích thước khẩu phần ăn (portion size). Việc bạn ăn bao nhiêu cũng quan trọng như việc bạn ăn cái gì, đặc biệt đối với bệnh nhân tim mạch-chuyển hóa như tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường. Một vài hành vi có thể dẫn đến việc nạp năng lượng dư thừa là chất quá nhiều thức ăn lên dĩa một lúc theo ham thích, ăn hai dĩa hoặc nhiều hơn mỗi bữa, hay ăn chỉ tới khi thật sự no mới dừng. Chú ý rằng, ngoại trừ một số nhà hàng cao cấp, kích thước khẩu phần ăn trong những quán ăn bình dân đôi khi vượt quá nhu cầu thực sự của bạn. Một số mẹo đơn giản để kiểm soát kích thước khẩu phần ăn là dùng đĩa hay chén nhỏ khi ăn, tăng việc sử dụng nguyên vật liệu giàu dinh dưỡng và ít calo như rau, củ, chỉ ăn lượng nhỏ các thức ăn giàu năng lượng, giàu muối như đồ hộp, thức ăn nhanh hay thức ăn đã qua chế biến. Nếu bạn là người thường xuyên tự nấu ăn thay vì ăn ngoài, cần biết cách ước lượng nguyên vật liệu thô bằng các dụng cụ cân, đong trong nhà bếp. Ngoài kích thước khẩu phần, tỉ lệ thành phần dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng. Nhìn chung, một bữa ăn có thể được chia làm ba phần chính: một nửa số đó nên là rau củ, ¼ dành cho tinh bột và ¼ là thành phần đạm, kèm với một lượng nhỏ chất béo có lợi cho sức khỏe (Hình 1).

    Thứ hai, ăn nhiều rau củ và trái cây hơn. Rau củ và trái cây là những nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Chúng còn giàu chất xơ, ít năng lượng và có thể chứa các chất chống oxi hóa quý giá, do vậy nhìn chung đều tốt cho sức khỏe tim mạch. Không những vậy, tăng cường sử dụng rau củ trong bữa ăn còn tạo cảm giác no, giúp bạn giảm ăn vào các thức ăn kém lành mạnh khác. Cách đưa rau củ vào bữa ăn có thể được thực hiện như sau: rửa rau sẵn, cắt nhỏ vừa ăn để tủ lạnh dưới dạng salad, cắt trái cây, bỏ sẵn trong tô để tủ lạnh nhằm ăn xen kẽ trong ngày hoặc tráng miệng sau bữa ăn chính, chọn nấu các món ăn canh hay rau luộc, rau xào đa dạng. Nhìn chung rau tươi là lựa chọn hoàn hảo nhất, tuy nhiên nếu không có điều kiện, những loại rau đóng hộp hay củ quả ngâm đều tốt, miễn là chứa ít muối và chất bảo quản. Một số dạng rau củ, trái cây cần hạn chế sử dụng là dừa (đặc biệt dưới dạng sữa cốt dừa cô đặc chứa nhiều đường, chất béo), salad nhưng trộn sốt kem béo, salad trộn thêm bánh mì cắt nhỏ, rau củ chiên, trái cây đóng hộp ngâm đường hoặc trái cây đông lạnh ướp đường.

    Thứ ba, lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt. Ngũ cốc nguyên hạt, hay nguyên cám, tốt hơn các loại ngũ cốc dạng bột, tinh luyện hoặc đã chế biến thành bánh, thành sợi mì vì dạng nguyên hạt đảm bảo được tối đa hàm lượng chất xơ, vi khoáng như vitamin B, sắt, selen, acid folic và chất chống oxi hóa. Ngoài gạo hay bắp là những loại lương thực được dùng phổ biến tại Việt Nam, hiện nay có rất nhiều lựa chọn ngũ cốc đa dạng khác như đại mạch (barley), yến mạch (oat), kiều mạch hay tam giác mạch (buckwheat), diêm mạch (quinoa), lúa mạch đen (rye) và lúa mì nguyên hạt (whole grain wheat) (Hình 2). Gạo lứt cũng được xem là tốt hơn gạo trắng đã qua chà xát với khả năng ít làm tăng đường huyết, hạn chế tăng lipid máu và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch. Bạn có thể luân phiên sử dụng chúng cho nhiều bữa ăn trong ngày với những cách chế biến đa dạng khác nhau để thay đổi khẩu vị.

What Should I Look for When Buying Whole Grains? - The New York Times

Hình 2: Ngũ cốc nguyên hạt tốt cho sức khỏe tim mạch

    Thứ tư, hạn chế chất béo không tốt cho sức khỏe. Có hai dạng chất béo mà các hiệp hội tim mạch thường khuyên bệnh nhân hạn chế hoặc tránh sử dụng là chất béo bão hòa và chất béo dạng trans. Giảm lượng sử dụng các thành phần này là bước quan trọng để kiểm soát cholesterol máu của bạn, từ đó giảm được nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Cholesterol máu cao sẽ tích tụ lại trong lòng động mạch vành nuôi tim, gọi là mảng xơ vữa. Khi mảng xơ vữa đủ lớn gây hẹp lòng mạch máu, bạn sẽ bị thiếu máu cơ tim. Nếu chúng bị nứt vỡ và gây hiện tượng viêm, tạo cục máu đông tại đây thì có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA) khuyến cáo lượng chất béo bão hòa nên dùng không quá 6% tổng năng lượng mỗi ngày và nên tránh hoàn toàn sử dụng chất béo dạng trans. Mặc dù vậy, ngay cả khi bạn là người nấu ăn thường xuyên tại nhà, khá khó để định lượng chính xác được các thành phần chất béo này. Vì vậy, có một số mẹo giúp nhận biết và giảm thiểu chất béo không có lợi như giảm ăn thịt mỡ, nên dùng thịt nạc hoặc các phần thịt chứa không quá 10% mỡ, giảm dùng bơ, kể cả bơ động vật (butter) hay bơ thực vật (margarine), thay các loại nước sốt béo bằng nước sốt cà chua, yogurt cho salad. Nếu bạn thường mua thực phẩm đóng hộp, cần biết cách kiểm tra nhãn thực phẩm để xem hàm lượng chất béo. Chú ý rằng những thực phẩm được ghi chất béo thấp (low-fat) vẫn có thể chứa chất béo dạng trans ít nhiều. Với chất béo dùng để nấu, chiên xào thì dầu olive, dầu lanh, dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu đậu phộng tương đối tốt hơn dầu dừa, dầu cọ hoặc mỡ động vật. Quả bơ là một loại trái cây chứa chất béo tốt. Trong số thịt động vật, cá, đặc biệt cá hồi, cá thu, cá trích hoặc gia cầm thường chứa chất béo ở dạng không bão hòa và có lợi cho sức khỏe hơn chất béo từ thịt heo, bò (Hình 3). Vì vậy, nếu muốn bổ sung đạm mà hạn chế chất béo, có thể lựa chọn các sản phẩm trên, bên cạnh sữa ít béo, trứng hay đạm thực vật. Tuy nhiên, cần nhớ rằng chỉ lượng vừa phải là đủ. Bất kỳ dạng chất béo nào, kể cả tốt lẫn xấu, đều giàu năng lượng, dễ dẫn đến thừa cân, béo phì nếu nhập vào không kiểm soát.

Fats and oils | Heart and Stroke Foundation

Hình 3: Cá hồi, các loại dầu ăn từ olive, hạt lanh, hạt cải, hạt hướng dương, một số loại hạt khô và trái bơ là những nguồn chất béo có lợi cho sức khỏe

    Thứ năm, giảm sử dụng muối. Đây là nguyên tắc căn bản mà bác sĩ thường căn dặn bệnh nhân tim mạch, đặc biệt nếu bạn bị tăng huyết áp hay suy tim, bởi vì nhập nhiều muối làm tăng huyết áp, cơ thể tăng giữ nước và làm nặng thêm các tình trạng này. Do vậy, hạn chế muối là một chỉ dẫn quan trọng đối với bệnh nhân tim mạch. Một người trưởng thành không nên dùng quá 2,300 mg natri (tương đương gần 6 g muối) mỗi ngày. Lượng này chỉ tương đương với một muỗi cà phê muối, do đó cần hiểu rõ và chia đều muối ra sử dụng cho các bữa ăn trong ngày. Có thể thay thế muối ăn, nước sốt bằng nhiều loại gia vị tạo hương nguồn gốc thực vật khác. Nước mắm, nước tương, sốt cà chua, mayonaise là những loại thường chứa nhiều muối. Giảm muối khi nấu ăn và giảm nước chấm hay muối chấm trong bữa ăn là bước đầu tiên có lợi nên thực hiện trước. Tuy nhiên, nên nhớ rằng đa phần muối mà chúng ta ăn vào hàng ngày thường đến từ thức ăn chế biến sẵn, đồ hộp hoặc đồ ăn bán tại quán, đặc biệt là các món canh, súp, đồ nướng và đồ đông lạnh. Cũng tương tự như đối với chất béo, bạn cần học cách nhận biết nhãn thực phẩm để lựa chọn các sản phẩm ít muối hoặc không muối. 

    Tóm lại, bệnh nhân tim mạch cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho hoạt động của cơ thể và hạn chế thức ăn không tốt cho sức khỏe tim mạch.

Tài liệu tham khảo.

  1.  https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-disease/in-depth/heart-healthy-diet/art-20047702
  2.  https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-eating/eat-smart/fats/saturated-fats

VN_GM_CV_186;exp:21/12/2023

Bài viết liên quan

NGUY CƠ TRẺ HÓA Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.

Xem thêm
294
CHẾ ĐỘ LUYỆN TẬP VÀ ĂN UỐNG Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.

Xem thêm
222
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐƠN GIẢN ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ KIỂM SOÁT NHỊP TIM

Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.

Xem thêm
1213
CƯỜNG GIAO CẢM – NGUYÊN NHÂN CỦA HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA

Hội chứng chuyển hóa với các thành tố như béo bụng, tăng đường huyết, tăng huyết áp đã được chứng minh có liên quan đến tăng hoạt tính giao cảm.

Xem thêm
2026