ĐỘT QUỴ VÀ TRIỆU CHỨNG CỦA ĐỘT QUỴ

Các triệu chứng của đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) biểu hiện khi sự cung cấp máu đến não bị gián đoạn hoặc giảm mạnh đột ngột, dẫn đến não không còn nhận đủ oxy và dưỡng chất. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết và nếu số lượng tế bào chết đủ nhiều, bạn không còn khả năng duy trì chức năng của một vùng não nhất định, từ đó biểu hiện ra những hậu quả như yếu liệt, khó nói, hôn mê hoặc thậm chí tử vong. Do vậy, đột quỵ được xem là một cấp cứu y khoa.

Cần nhớ rằng, không phải bất kỳ trường hợp nào tử vong đột ngột không rõ nguyên nhân cũng đều được gọi là đột quỵ. Trong một số tài liệu y học thường thức, bạn có thể bắt gặp thuật ngữ “đột quỵ não” và “đột quỵ tim”. Hai nhóm bệnh lý này cùng thuộc phổ bệnh lý tim mạch, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau (Hình 1), chỉ sự gián đoạn cung cấp máu tức thời tới cơ quan đích tương ứng là não, tim và đều có thể gây tử vong đột ngột.

Tuy nhiên, để tránh gây nhầm lẫn, trong phạm vi bài viết này, thuật ngữ “đột quỵ” (stroke – cerebrovascular accident) được dùng để chỉ đột quỵ não (là mục tiêu chính được bàn luận ở đây), phân biệt với cụm từ “nhồi máu cơ tim” (heart attack – myocardial infarction) dùng để chỉ đột quỵ tim.

Các loại đột quỵ

   Có hai loại đột quỵ chính: nhồi máu não và xuất huyết não (Hình 2).

Nhồi máu não

Nhồi máu não chiếm khoảng 85% số trường hợp, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn không hồi phục, làm cho dòng máu không tới nuôi được tế bào não.

Nguyên nhân của hiện tượng này này có thể đến từ:

(1) mảng xơ vữa động mạch tại chỗ, khi bị nứt vỡ hay bong tróc, huyết khối (cục máu đông) thành lập và lớn dần, chặn hoàn toàn dòng máu;

(2) huyết khối được hình thành từ buồng tim do các bệnh lý tim sẵn có như bệnh van tim hay rung nhĩ… theo dòng máu mà tim bơm ra ngoài, đi lên não gây tắc nghẽn;

(3) và các động mạch nhỏ ở não bị hư hại, thoái hóa do một số bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp lâu năm và chít hẹp dần.

Xuất huyết não

15% trường hợp đột quỵ còn lại là xuất huyết não, xảy ra khi mạch máu nuôi não bị vỡ, máu vừa không đến nuôi được phần não do mạch máu phụ trách, mà còn chảy tràn vào trong não, gây chèp ép, tổn thương thêm nhu mô lân cận.

Ngoài tăng huyết áp là nguyên nhân chính thì xuất huyết não còn có thể do dị dạng, phình mạch máu não hay tác dụng ngoại ý của thuốc kháng đông… Khi huyết áp của bạn tăng cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực, dẫn tới hiện tượng căng và vỡ làm máu chảy tràn ra khỏi lòng mạch.

Ngoài hai thể chính kể trên, còn có một dạng đột quỵ khác gọi là cơn thoáng thiếu máu não (hay cơn đột quỵ nhỏ - ministroke), về bản chất giống đột quỵ thể nhồi máu nhưng triệu chứng chỉ thoáng qua trong khoảng 1-2 tiếng và sau đó hồi phục hoàn toàn. Mặc dù cơn thoáng thiếu máu não không để lại di chứng tại thời điểm xảy ra nhưng là một yếu tố dự đoán bạn có khả năng bị đột quỵ thực sự trong tương lai, do đó vẫn luôn cần được chú ý.

Ý nghĩa cụm từ FAST

    Mặc dù triệu chứng của đột quỵ rất đa dạng, tùy thuộc vùng não bị thiếu máu nuôi nhưng có một số biểu hiện thường gặp và điển hình giúp bạn nhận diện được sớm bản thân hay người xung quanh có khả năng cao đang bị đột quỵ nhằm gọi cấp cứu kịp thời. Các biểu hiện và hành động này được tóm tắt ngắn gọn qua bốn chữ cái như sau: F.A.S.T (Hình 3). Ngoài việc chứa đựng ý nghĩa của những triệu chứng đột quỵ, việc viết tắt thành cụm từ FAST (nhanh) còn tạo ấn tượng về sự khẩn cấp trong cấp cứu đột quỵ đối với mọi người:

F (Face)

Yếu cơ một bên mặt, biểu hiện rõ nhất là méo miệng, không thể cười đều như bình thường, sụp mi mắt một bên hay đột ngột nhìn mờ, mù một bên mắt. Cách nhận diện nhanh: xệ mặt một bên khi cố gắng mỉm cười.

A (Arm)

Yếu hoặc nặng hơn là liệt một tay hay cả tay và chân cùng bên, đôi khi kèm tê, mất cảm giác nửa bên thân người, có thể đột ngột mất khả năng giữ thăng bằng, đi lại hay phối hợp các động tác cơ thể. Cách nhận diện nhanh: một cánh tay thấp hơn khi cố gắng nâng cả hai tay lên.

S (Speech)

Khó diễn đạt thành lời nội dung muốn nói hoặc chỉ tạo được những âm thanh ú ớ, không rõ ý nghĩa hay thậm chí không nói được. Cách nhận diện nhanh: không nói và lặp lại câu đơn giản được hoặc nói lắp, nói câu khó hiểu.

T (Time)

Thời gian là điều tối cần thiết. Cần phải nghĩ ngay đến đột quỵ và gọi cấp cứu khi có một hay nhiều triệu chứng kể trên (càng nhiều biểu hiện gợi ý khả năng đột quỵ càng cao), bất kể thời đỉểm xảy ra trong ngày như đang lao động, nghỉ ngơi hay đang ngủ và bất kể người mắc phải trước đó khỏe mạnh hay đã được ghi nhận tiền sử bệnh lý liên quan.

Mặc dù vậy, chẩn đoán này càng gợi ý cao nếu trước đó bạn đã được ghi nhận một số bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, từng bị đột quỵ hay kèm hút thuốc lá. Các bác sĩ thần kinh của bạn đều biết đến một câu trích dẫn nổi tiếng của nhà thần kinh học người Mỹ Gomez: “Time is brain” (Thời gian là não), nghĩa là càng cấp cứu và xử trí muộn thì số lượng tế bào não chết càng nhiều, dẫn đến khả năng hồi phục càng thấp.

    Một số biểu hiện khác là đột ngột đau đầu, buồn nôn, nôn hay chóng mặt dữ dội, chúng thường gặp trong một dạng đột quỵ ít gặp hơn là xuất huyết khoang dưới nhện.  

Các hành động nên tránh khi có người đột quỵ

    Tuy nhiên, trong thời điểm xảy ra biến cố, người thân và người xung quanh có thể bị hoang mang, bối rối, đưa đến những hành động xử trí sai cách, không những không giúp người bệnh mà còn có thể gây tổn hại nặng thêm. Một số ví dụ là:

Vắt chanh vào miệng

Điều này không có cơ sở khoa học, ngược lại, cho nước chanh hay bất kỳ đồ ăn, thức uống nào khi bệnh nhân đang mất khả năng nuốt hay đang hôn mê có khả năng làm những thứ này rơi vào đường thở, gây hít sặc, suy hô hấp, thậm chí tử vong nhanh hơn.

Chích máu ở đầu ngón tay

Một số câu chuyện được lan truyền trên mạng xã hội rằng dùng kim chích máu 10 đầu ngón tay có thể giúp người bệnh đột quỵ tỉnh lại. Phương pháp này không cho thấy bất kỳ lợi ích nào, ngược lại làm bỏ lỡ thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ. Các hình thức khác như bấm huyệt, cạo gió, giác hơi, châm cứu cũng không có bất kỳ bằng chứng về hiệu quả nào trong trường hợp này..

Uống thuốc hay thực phẩm chức năng không đúng cách

Như đã trình bày ở trên, có hai dạng đột quỵ chính là nhồi máu và xuất huyết não. Hai dạng này rất khó phân biệt được dựa vào triệu chứng mà cần được hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh (ví dụ như chụp cắt lớp vi tính não), do đó chỉ có bác sĩ mới đánh giá được đúng loại đột quỵ mà bạn gặp phải để đưa ra phương cách xử trí thích hợp..

Tự ý sử dụng thuốc hoặc các thực phẩm chức năng mà chưa có sự chỉ định của Bác sĩ có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ nếu bạn bị xuất huyết não nhưng lại uống thuốc làm tan huyết khối, mạch máu não đang vỡ sẽ càng chảy máu nặng thêm, khó có khả năng cứu chữa.

Ngay cả khi bạn đo ra trị số huyết áp cao, cũng không được tự ý sử dụng thêm các thuốc hạ áp cấp cứu bởi vì việc làm giảm huyết áp quá nhanh có thể dẫn đến não bị thiếu máu nuôi nặng hơn, chỉ có bác sĩ mới đánh giá được đúng loại và liều thuốc cần dùng ở tình huống nói trên. Do vậy, ngoài những thuốc theo toa định kỳ đã uống trước đó trong ngày, không nên sử dụng thêm bất kỳ thuốc nào ở thời điểm này.

Điều bạn có thể làm để sơ cứu người bệnh nghi ngờ đột quỵ là gì ?

        - Đỡ người bệnh để không bị té: đột quỵ không phải do té ngã nhưng nếu té ngã đột ngột gây chấn thương thì có thể làm nặng thêm hậu quả của đột quỵ.

        - Đặt người bệnh nằm nghiêng ở chỗ thông thoáng để đờm dãi có thể chảy ra, giảm khả năng hít sặc và được thông khí tốt.

        - Gọi ngay cấp cứu, không trì hoãn nhằm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiếp tục đánh giá để xem có thể điều trị bệnh nhân hay cần chuyển lên tuyến cao hơn. Không nên tự đưa người bệnh đến một cơ sở y tế tuyến trên nhưng lại rất xa vì có thể bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.

    Trên đây là một số hiểu biết căn bản về đột quỵ và cách nhận biết cũng như hướng xử trí ban đầu đối với đột quỵ. Điều quan trọng mà bạn lẫn người thân, người xung quanh cần nhớ: “Thời gian là não”.

VN_GM_CV_177

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Tài liệu tham khảo

  1.  https://beaumontemergencycenter.com/first-aid-for-stroke/
  2. http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/chuyen-muc/mang-luoi-dieu-tri-dot-quy-tren-dia-ban-thanh-pho-ho-chi-minh-cmobile8-16298.aspx

Bài viết liên quan

NGUY CƠ TRẺ HÓA Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.

Xem thêm
294
CHẾ ĐỘ LUYỆN TẬP VÀ ĂN UỐNG Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.

Xem thêm
222
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐƠN GIẢN ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ KIỂM SOÁT NHỊP TIM

Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.

Xem thêm
1213
CƯỜNG GIAO CẢM – NGUYÊN NHÂN CỦA HỘI CHỨNG CHUYỂN HÓA

Hội chứng chuyển hóa với các thành tố như béo bụng, tăng đường huyết, tăng huyết áp đã được chứng minh có liên quan đến tăng hoạt tính giao cảm.

Xem thêm
2026