Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc tái khám định kỳ với bệnh nhân đã có chẩn đoán bệnh hoặc khám tầm soát sức khỏe định kỳ với người chưa có bệnh đều trở nên khó khăn, do các quy định về giãn cách xã hội và sự lo ngại lây nhiễm tại bối cảnh phòng khám đông người. Mặc dù vậy, bệnh tim mạch luôn hiện hữu và tiến triển âm thầm nếu có sẵn yếu tố nguy cơ. Vì thế, có một số cách để bạn tự kiểm tra sức khỏe tim mạch tại nhà trước khi đến gặp bác sĩ với mục đích thăm khám, tư vấn.
Tần số tim là một trong những thông số cơ bản phản ánh sức khỏe tim mạch. Người bình thường có tần số tim lúc nghỉ ngơi dao động từ 60-100 lần/phút. Khi chúng ta vận động, tim tăng cường co bóp để đảm bảo nhu cầu đưa máu và oxy tới các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là cơ bắp. Do đó lúc này tần số tim sẽ tăng, có thể vượt mức 100 lần/phút. Một số người hoạt động thể lực thường xuyên có khả năng đạt được mức tần số tim lúc nghỉ thấp hơn, khoảng 50 lần/phút. Đây là các tình huống mà tần số tim vượt ngoài khoảng 60-100 lần/phút nhưng vẫn được xem là sinh lý bình thường. Còn lại hầu hết trường hợp tần số tim nhanh ngoài khoảng giới hạn cần phải được xem là có yếu tố bất thường và cần được thăm khám chuyên sâu hơn bởi bác sĩ tim mạch. Vậy điều đơn giản mà bạn có thể làm tại nhà là đếm tần số tim và kiểm tra nhịp tim của mình xem có đều hay không. Cách đơn giản nhất: chuẩn bị một chiếc đồng hồ có kim giây hoặc đồng hồ điện tử có chức năng hiển thị giây, để sẵn trên bàn ở vị trí dễ quan sát. Đặt một tay của bạn trên mặt bàn nằm ngang ở tư thế lòng bàn tay ngửa. Dùng ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay còn lại đặt nhẹ lên phần cổ tay (ngang vị trí thường đeo đồng hồ), ở phía gần với ngón tay cái, di chuyển nhẹ xung quanh để tìm được vị trí mạch đập (Hình 1) [1]. Mỗi khi tim của bạn đập một nhịp, máu sẽ được bơm đi và tạo ra dạng sóng lên mạch máu lan dần ra xa. Đó là lý do việc bắt mạch ở tay phản ánh được tần số tim. Một lần mạch đập tương ứng một lần tim đập. Bạn bắt đầu nhìn đồng hồ và đếm số lần thấy mạch đập trong vòng một phút. Đây chính là kết quả tần số tim của bạn. Ngoài chuyện đếm tần số, bạn hãy để ý xem tim đập có đều đặn hay không, có khoảng dừng nào trong thời gian theo dõi rồi mới đập lại hay không. Như vậy, chỉ với cách đơn giản nêu trên, bạn đã biết được tần số tim (bao nhiêu lần/phút) và nhịp tim (có đều hay không) của mình. Để nhanh chóng hơn, bạn có thể đếm tần số tim trong vòng 15 giây, sau đó lấy kết quả thu được nhân 4 để ra tần số tim mỗi phút. Tuy nhiên, với lần đo đầu tiên hay khi có triệu chứng nghi ngờ không khỏe về tim mạch, bạn nên đếm hoàn toàn trong vòng một phút để phát hiện bất thường về nhịp tim nếu có
Cách thứ hai để đo tần số tim: nếu trong nhà đã có sẵn máy huyết áp điện tử, bạn cũng có thể tận dụng để đo tần số tim. Các máy huyết áp dựa trên nguyên lý bơm hơi vào túi khí để chèn mạch máu lại tạm thời, sau đó xả khí ra để đo được huyết áp tâm thu và tâm trương tương ứng. Trong quá trình bơm-xả này, máy đồng thời ghi nhận số lần mạch đập của bạn. Tùy thuộc vị trí đo, bạn có nhiều loại máy huyết áp điện tử khác nhau như máy huyết áp cổ tay hay máy huyết áp cánh tay, nhìn chung đều chấp nhận được (Hình 2). Nhiều dòng máy hiện nay có thêm chức năng cảnh báo nếu phát hiện nhịp tim không đều hoặc thậm chí báo động nếu bạn bị rung nhĩ, một dạng rối loạn nhịp có khả năng gây nguy hiểm
Cách thứ ba để đo tần số tim: nếu bạn đã trang bị cho mình một máy đo độ bão hòa oxy máu (SpO2) kẹp đầu ngón tay trong mùa dịch này, chúng cũng có thể được sử dụng để đo tần số tim (Hình 3). Máy này dựa trên nguyên lý phát và thu nhận ánh sáng đi xuyên qua mạch máu nhỏ ở đầu ngón tay khi bạn kẹp vào đầu ngón để ước tính độ bão hòa oxy trong máu. Trong quá tình phát và thu nhận tín hiệu ánh sáng, máy đồng thời ghi nhận số lần mạch đập của bạn. Bên cạnh con số phản ánh tần số tim, một số máy còn hiển thị dạng sóng mạch, bạn cũng có thể dựa vào đó để tham khảo tương đối xem nhịp tim đều hay không đều.
Cách thứ tư để đo tần số tim: nếu như bạn đang sử dụng đồng hồ thông minh (smartwatch), một số loại cũng được thiết kế cảm biến đo tần số tim với nguyên lý gần giống như máy đo độ bão hòa oxy máu, nhưng vị trí đo là ở cổ tay nơi đeo đồng hồ thay vì đầu ngón tay (Hình 4). Tuy nhiên, cần chú ý rằng chúng không phải là thiết bị y tế chuyên dụng và kết quả đo có thể không được kiểm định bởi cơ quan y tế, do đó chỉ nên dùng để tham khảo.
Yếu tố thứ hai về sức khỏe tim mạch mà bạn có thể tự kiểm tra tại nhà là huyết áp. Như đã trình bày ở trên, các máy đo huyết áp điện tử ngày nay khá tiện lợi, dễ thao tác, có thể được sử dụng bởi tất cả mọi đối tượng, kể cả người lớn tuổi. Để đánh giá đúng huyết áp thực sự và thống nhất giữa các lần đo, cần chú ý tư thế khi đo: ngồi thẳng lưng, có thể tựa nhẹ vào lưng ghế, chân buông thõng tự nhiên, bàn chân chạm đất, tay thả lỏng, túi khí dù loại cổ tay hay cánh tay cũng nên quấn ở ngang tầm với tim. Sau quá trình bơm-xả khí tự động, máy sẽ thông báo trị số huyết áp tâm thu (số lớn hơn) và huyết áp tâm trương (số nhỏ hơn) của bạn. Bên cạnh đó, máy còn hiển thị tần số tim, dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp (với một số máy nhất định). Thông thường máy huyết áp có khả năng ghi nhớ lại kết quả rất nhiều lần đo. Ngoài ra, một số máy còn hỗ trợ kết nối với điện thoại để chuyển dữ liệu, giúp bạn tiết kiệm thời gian ghi chép kết quả đo.
Hình 5: Tư thế tự đo huyết áp chuẩn
Thứ ba, nếu bạn đã có sẵn một vài kết quả xét nghiệm lipid máu (mỡ máu) gần đây, bạn cũng có thể sử dụng một số công cụ được cung cấp miễn phí trên các trang web tin cậy (ví dụ như đường dẫn: https://01minh.com/benh-ly-tim-mach.html hoặc http://vnha.org.vn/100framingham.asp) để ước tính nguy cơ tim mạch của mình [2, 3]. Những công cụ này yêu cầu bạn nhập một vài thông số chính như tuổi, giới tính, huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương, tần số tim lúc nghỉ, cân nặng, chiều cao và trả lời các câu hỏi về bệnh nền đang có (đái tháo đường, tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư), tình trạng hút thuốc lá, mức độ hoạt động thể lực...Nếu bạn chưa mắc bệnh tim mạch, công cụ sẽ đánh giá nguy cơ xuất hiện bệnh lý tim mạch trong vòng 10 năm. Ví dụ kết quả này ra 25%, nói lên rằng trong số 100 người có các chỉ số giống bạn, 25 người sẽ mắc bệnh tim mạch trong vòng 10 năm tới. Nếu bạn đã sẵn có bệnh tim mạch, công cụ nói trên ước tính nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cho bạn (ví dụ 32%) và so sánh với nguy cơ tử vong trung bình của những người ở cùng độ tuổi trong dân số chung (ví dụ 20%). Kết quả ví dụ này nói lên rằng nguy cơ tử vong của bạn cao hơn những người có cùng độ tuổi trong cộng đồng.
Tóm lại, bạn có thể tự kiểm tra sức khỏe tim mạch đơn giản tại nhà thông qua việc bắt mạch, đo huyết áp và nhập các thông số vào công cụ tự động tính nguy cơ tim mạch. Nếu phát hiện bất kỳ bất thường nào, bạn nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn cụ thể và được chỉ định khám chuyên sâu thêm nếu cần.
Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
VN_GM_CV_120
Tài liệu tham khảo.
Bài viết liên quan
Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.
Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.
Hội chứng chuyển hóa với các thành tố như béo bụng, tăng đường huyết, tăng huyết áp đã được chứng minh có liên quan đến tăng hoạt tính giao cảm.