Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Tần số tim lúc nghỉ là một biến số quen thuộc, phổ biến, dễ đo lường và diễn giải trên lâm sàng. Trong những nghiên cứu riêng lẻ, tăng tần số tim lúc nghỉ được chứng minh liên hệ với tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tử vong sớm thông qua nhiều cơ chế, ví dụ như hiệu ứng bất lợi trên sự tiến triển của mảng xơ vữa mạch vành, trên hiện tượng thiếu máu cục bộ cơ tim, trên sự xuất hiện rối loạn nhịp thất, rối loạn chức năng thất trái hoặc các chỉ dấu viêm tuần hoàn [1-3]. Tuy nhiên, mức tăng nguy cơ kết cục xấu đi kèm tăng tần số tim vẫn khác biệt nhiều tùy thuộc nghiên cứu, có thể do sự khác biệt về đặc điểm ban đầu của dân số, đồng thời tần số tim tăng thường đi kèm nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch cổ điển khác, do đó khó thực sự kết luận rằng đây là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh suất và tử suất tim mạch, cũng như khó có kết luận về một mối quan hệ liều-đáp ứng rõ ràng [4-7]. Vì vậy, một phân tích tổng hợp là điều cần thiết để cung cấp bằng chứng mạnh hơn về mối liên quan giữa tần số tim và nguy cơ tử vong. Một phân tích tổng hợp lớn năm 2016 bao gồm 46 đoàn hệ với tổng cộng 1,246,203 bệnh nhân có dữ liệu tử vong do mọi nguyên nhân và 848,320 bệnh nhân có dữ liệu tử vong do nguyên nhân tim mạch. Thời gian theo dõi dao động từ 3-40 năm [8].
Kết quả ghi nhận cứ tăng tần số tim thêm 10 lần/phút thì nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân tăng 9% (tỉ số nguy cơ: 1.09, khoảng tin cậy 95%: 1.07-1.12) và tử vong tim mạch tăng 8% (tỉ số nguy cơ: 1.08, khoảng tin cậy 95%: 1.06-1.10). Các kết quả này tương đối ổn định kể cả sau khi loại trừ những ca tử vong sớm trong vòng 6 tháng-5 năm đầu nghiên cứu và phân nhóm nghiên cứu thành có sử dụng hay không sử dụng thuốc làm giảm tần số tim.
Nếu chia tần số tim thành biến phân loại và lấy những người có tần số tim lúc nghỉ <60 lần/phút làm cơ sở tham chiếu, nhóm với tần số tim 60-80 lần/phút tăng 12% tử vong do mọi nguyên nhân (tỉ số nguy cơ: 1.12, khoảng tin cậy 95%: 1.07-1.17) và chưa làm thay đổi có ý nghĩa thống kê tử vong do nguyên nhân tim mạch (tỉ số nguy cơ: 1.08, khoảng tin cậy 95%: 0.99-1.17). Tuy nhiên, những bệnh nhân với tần số tim >80 lần/phút tăng mạnh một cách có ý nghĩa cả hai nguy cơ tử vong nói trên, cụ thể tăng 45% tử vong do mọi nguyên nhân (tỉ số nguy cơ: 1.45, khoảng tin cậy 95%: 1.34-1.57) và tăng 33% tử vong do nguyên nhân tim mạch (tỉ số nguy cơ: 1.33, khoảng tin cậy 95%: 1.19-1.47). Các số liệu tương đối nhất quán khi phân nhóm thời gian theo dõi >10 năm hay ≤10 năm, dân số mẫu >10,000 hay ≤10,000, tuổi trung bình của dân số nghiên cứu >50 hay ≤50, khu vực địa lú/châu lục, giới tính, loại trừ bệnh tim mạch sẵn có tại thời điểm nhận vào và đánh giá tần số tim lúc nghỉ với nhiều kỹ thuật khác nhau (điện tâm đồ hoặc phương pháp khác, tư thế đứng/nằm/ngồi và có thời gian nghỉ trước khi đo >5 phút hay ≤5 phút). Kết quả hiệu chỉnh đa biến nói trên cũng không thay đổi chiều của tỉ số nguy cơ so với khi hiệu chỉnh đơn độc từng biến số quan trọng như huyết áp, chỉ số khối cơ thể, tiền sử hút thuốc, nghiện rượu, hoạt động thể lực, đái tháo đường, rối loạn lipid máu hay tình trạng kinh tế-xã hội-giáo dục. Từ đây, có thể rút ra hai kết luận. Thứ nhất, tần số tim >80 lần/phút là một ngưỡng làm tăng đáng kể các nguy cơ kết cục xấu, vì vậy nên xem đây là một ngưỡng tần số tim đáng quan tâm và ngược lại, có thể cân nhắc đây là một mục tiêu cần đạt khi điều trị giảm tần số tim bằng thuốc. Thứ hai, kết quả nói trên chứng tỏ mối liên quan giữa tăng tần số tim với nguy cơ tử vong là nhất quán và tần số tim là yếu tố nguy cơ độc lập của tử vong.
Giả thiết được tác giả bàn luận ở đây là tần số tim lúc nghỉ cao thể hiện dấu hiệu của sự mất cân bằng trương lực giao cảm và trương lực phó giao cảm (thông qua thần kinh lang thang số X). Sự rối loạn chức năng hoạt tính thần kinh tự chủ đóng vai trò trung tâm trong bệnh sinh của nhiều bệnh lý khác nhau. Đặt trong mối quan hệ với tần số tim, nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn nguy cơ tử vong do nguyên nhân tim mạch, chứng tỏ tần số tim cao còn liên quan đến tử vong do các bệnh lý ngoài hệ tim mạch, như được chứng minh trong một số nghiên cứu trước đây [9-12]. Dựa trên kết quả hiệu chỉnh đa biến cho thấy tần số tim là yếu tố nguy cơ độc lập của tử vong, việc điều trị làm giảm tần số tim được kỳ vọng cải thiện kết cục lâm sàng cho bệnh nhân.
Tóm lại, tần số tim lúc nghỉ là một chỉ dấu của sự mất cân bằng cán cân trương lực giao cảm-phó giao cảm và có liên quan với nguy cơ tử vong tim mạch, tử vong do mọi nguyên nhân theo kiểu mẫu liều-đáp ứng. Do vậy, xu hướng điều trị “the slower the heart rate, the better” ngày càng được quan tâm.
Tài liệu tham khảo.
VN_GM_CV_194;exp:27/12/2023
Nguồn: https://01minh.com/tim-mach/tan-so-tim-luc-nghi-va-nguy-co-tu-vong.html
Bài viết liên quan
Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.
Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.
Hội chứng chuyển hóa với các thành tố như béo bụng, tăng đường huyết, tăng huyết áp đã được chứng minh có liên quan đến tăng hoạt tính giao cảm.