Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Tăng huyết áp, hay huyết áp cao hơn mức bình thường, là một yếu tố nguy cơ tiềm tàng của nhiều bệnh lý hơn là chỉ bệnh tim. Nói cách khác, huyết áp cao gây tổn thương nhiều cơ quan khác trong cơ thể và đây là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng nặng hoặc tử vong. Đặc biệt, tác động có hại này thường xảy ra âm thầm trong thời gian dài. Đến khi người bệnh biểu hiện triệu chứng tại từng cơ quan tương ứng thì thường chức năng cơ quan đã giảm rõ và tổn thương gần như khó hồi phục. Vì vậy, hiểu rõ được tác động có hại của tăng huyết áp và có nhận thức về việc tầm soát, khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm biến chứng nếu có, khởi động điều trị kịp thời để hạn chế sự tiến triển nặng lên của biến chứng [1].
Tổn thương mạch máu. Mạch máu thông thường không phải là những đường ống cứng mà có tính đàn hồi, linh hoạt và không kém phần bền chắc. Lớp tế bào lót ở mặt trong của mạch máu luôn được đảm bảo trơn láng sao cho dòng máu lưu thông tự do, đảm bảo nhu cầu cung cấp oxy và dưỡng chất cho mọi cơ quan trong cơ thể. Khi bạn bị tăng huyết áp, áp lực cao kéo dài lên mạch máu sẽ đưa đến nhiều sự thay đổi quan trọng, chẳng hạn như:
- Tổn thương lòng mạch và hẹp mạch máu: huyết áp cao gây tổn thương cho lướp tế bào lót phía trong mạch máu như đã đề cập ở trên. Khi tế bào không còn toàn vẹn, lipid máu dễ bám vào hơn và hình thành mảng xơ vữa động mạch. Khi lipid tích tụ lâu ngày ở những vị trí này, lòng mạch máu hẹp dần, đồng thời thành mạch trở nên giòn, kém đàn hồi hơn, không còn linh hoạt như lúc khỏe mạnh. Do đó, dòng máu đi qua bị giới hạn, có thể dẫn đến thiếu máu nuôi cơ quan, đặc biệt là những vị trí quan trọng như tim hay não, gây các bệnh cảnh thiếu máu cơ tim hay thiếu máu não. Khi mảng xơ vữa vỡ ra đột ngột làm bít tắc hoàn toàn dòng máu nuôi cơ quan, người bệnh có thể gặp tình huống đe dọa tính mạng là nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ thể nhồi máu não.
- Phình mạch: theo thời gian, huyết áp cao tác động lực kéo dài trên những vị trí thành mạch bị yếu sẽ làm cho các nơi này bị phình ra, tạo thành túi phình mạch máu. Phình mạch có thể hình thành ở bất kỳ động mạch nào trên cơ thể, nhưng thường gặp ở động mạch chủ. Đây là động mạch lớn nhất cơ thể và có áp lực máu cao nhất. Điều nguy hiểm của phình mạch là chúng có thể vỡ ra bất kỳ lúc này khi thành mạch mỏng và suy yếu đến ngưỡng giới hạn, gây đe dọa tính mạng.
Suy tim. Tim có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi khắp cơ thể. Để thực hiện được nhiệm vụ này, lực bóp của tim phải thắng được lực cản của mạch máu. Khi huyết áp cao, tim phải tăng lực bóp nhằm bơm máu mạnh hơn ra ngoài. Tình trạng này kéo dài dẫn đến hiện tượng gọi là dày thất trái. Cuối cùng, cơ tim bị yếu đi, làm việc kém hiệu quả, giai đoạn này gọi là suy tim. Cơ tim cũng có thể gián tiếp bị suy nặng hơn nếu kèm thêm nhồi máu cơ tim trước đó. Như vậy, tim và mạch máu là hai thành phần đầu tiên chịu hậu quả của tăng huyết áp.
Tổn thương não. Não cần một nguồn cấp máu liên tục để đảm bảo hoạt động không ngừng. Tăng huyết áp gây hại cho não theo nhiều phương diện.
- Thiếu máu não thoáng qua: Đây là một dạng đột quỵ nhẹ, nghĩa là não thực sự bị thiếu máu, dẫn đến các triệu chứng giống đột quỵ như yếu, liệt, nói khó, nhưng người bệnh may mắn hồi phục được trong thời gian ngắn, chưa ảnh hưởng đến sự sống còn của các vùng não quan trọng. Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu dự báo đột quỵ thực sự trong tương lai. Nói cách khác, người đã từng bị thiếu máu não thoáng qua có nguy cơ đột quỵ về sau. Ngoài đái tháo đường, tăng huyết áp cũng là bệnh lý dẫn đến hiện tượng này, với cùng cơ chế tác động như huyết áp cao ảnh hưởng lên mạch máu tim.
- Đột quỵ: Đột quỵ xảy ra khi một phần não bị thiếu oxy và dưỡng chất, dẫn đến chết tế bào não tại vùng đó. Có hai dạng chính là nhồi máu não (mạch máu bị bít tắc do huyết khối) và xuất huyết não (mạch máu bị vỡ) (Hình 2). Dù là thể nào, hậu quả đều dẫn đến chết vùng não vốn được nuôi bởi mạch máu đó. Tăng huyết áp có thể dẫn đến cả hai thể trên, một mặt thông qua việc gây xơ vữa động mạch trong thời gian dài, mặt khác khi huyết áp tăng cao quá khả năng chịu lực của thành mạch thì mạch máu có khả năng vỡ ra.
Hình 2: Hai dạng đột quỵ: xuất huyết não và nhồi máu não
- Sa sút trí tuệ: Hiện tượng hẹp mạch máu và thiếu máu não lâu ngày dù chưa đến mức gây đột quỵ vẫn có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh theo một hướng khác, đó là gây sa sút trí tuệ. Thông thường, khi tuổi lớn dần, chức năng trí tuệ và trí nhớ của chúng ta giảm theo thời gian. Đây là sinh lý bình thường của sự lão hóa. Tuy nhiên, nếu có tăng huyết áp trước đó, sự sa sút trí tuệ khởi phát sớm hơn thông thường, có thể từ lứa tuổi trung niên, và sau đó nặng dần lên rõ hơn so với sa sút trí tuệ do tuổi già. Tình trạng này gọi là sa sút trí tuệ do mạch máu.
Tổn thương thận. Các hiện tượng bệnh lý có khả năng gặp ở thận của người tăng huyết là xơ hóa cầu thận và suy thận. Có thể hiểu nôm na, khi mạch máu nhỏ trong thận bị tổn thương, tạo thành dạng xơ hóa (giống như sẹo), máu không thể đi qua một cách thông suốt để được lọc như bình thường. Lâu ngày, chức năng thận giảm dần đến mức suy thận, bởi vì lúc này thận không đảm bảo được khả năng lọc máu và thải chất độc ra khỏi cơ thể. Khi suy thận nặng, người bệnh có thể cần đến các biện pháp thay thế thận như chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là sự giảm chức năng thận thường không gây triệu chứng đặc hiệu để giúp người bệnh nhận biết sớm, do đó đòi hỏi phải tuân thủ khám sức khỏe định kỳ và làm một số xét nghiệm cơ bản mà bác sĩ chỉ định để kịp thời phát hiện biến chứng.
Tổn thương mắt. Các mạch máu nhỏ trong mắt cũng bị tổn thương tương tự như mạch máu thận khi bạn bị tăng huyết áp lâu ngày. Nhiều thành phần của mắt đều có thể bị ảnh hưởng, mà đầu tiên là võng mạc, bởi vì võng mạc được phân bố mạch máu nuôi phong phú. Các triệu chứng thường gặp là nhìn mờ, nhìn đôi hoặc giảm thị lực. Nếu người bệnh tăng huyết áp kèm mắc đái tháo đường, nguy cơ này càng tăng cao hơn đáng kể. Ngoài võng mạc, một thành phần quan trọng khác là dây thần kinh thị giác cũng phải được cung cấp máu nuôi đầy đủ. Nếu mạch máu bị ảnh hưởng do tăng huyết áp dẫn đến thiếu máu nuôi, thần kinh thị giác có thể bị tổn thương gây giảm thị lực. Một khi điều này đã xảy ra, khả năng hồi phục gần như rất khó.
Tóm lại, tăng huyết áp để lại những biến chứng nguy hiểm trên nhiều cơ quan khác nhau như tim, mạch máu, não và thận. Sự xuất hiện biến chứng thường diễn ra âm thầm trong thời gian dài, đôi khi không có triệu chứng báo động rõ ràng. Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần phải tái khám thường xuyên để được tầm soát biến chứng định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo.
VN_GM_CV_187;exp:21/12/2023
Bài viết liên quan
Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.
Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.
Hội chứng chuyển hóa với các thành tố như béo bụng, tăng đường huyết, tăng huyết áp đã được chứng minh có liên quan đến tăng hoạt tính giao cảm.